1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giá vé tăng, khách không tăng đột biến

(Dân trí) - Từ chiều qua 11/2, giá vé của hầu hết các tuyến đường dài đã tăng lên từ 40-60%. Tuy nhiên, hoạt động tại các bến xe của Hà Nội nhìn chung là khá buồn tẻ mặc dù chỉ ít ngày trước đó được dự báo là nóng của chiều “trả” khách sau tết.

Bến xe bị hành khách… ngó lơ

Chiều ngày 11/2, tại khu vực sân bến xe Giáp Bát, từng tốp phụ xe tất tả chạy ngược chạy xuôi để vật nài từng khách vào bến lên xe. Trong khu vực sân đỗ, từng nhóm lái xe tụm năm tụm ba ngồi tán chuyện chờ khách.

Anh Nguyễn Mạnh Cường - một lái xe được điều từ bến xe Miền Đông (TPHCM) để tăng cường cho bến xe Giáp Bát trong những ngày được dự báo là “cao điểm sau tết” buồn bã cho biết: “Từ mùng 4 tết, xe tôi nằm đây chờ khách nhưng đến nay vẫn “héo hắt” vì ngày nào cũng chỉ lèo tèo vài người”.

Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe này cho rằng: “sau tết hành khách đi rải rác cho đến rằm tháng Giêng nên tình trạng cháy vé chắc chắn sẽ không diễn ra.

Hiện các tuyến đi gần đều rất ít khách, chỉ có các tuyến dài như TPHCM, Đà Nẵng, Tây Nguyên là kha khá. Mỗi ngày tại bến xe này có 6 chuyến vào TPHCM, 4 chuyến đi Đăk Lăk, 6 chuyến đi Đà Nẵng, đa số các chuyến đều không đủ khách.

Đến chiều ngày 11/2, ngoài số xe đã chuẩn bị và dự phòng theo kế hoạch, vẫn còn 5 xe khách của TPHCM đang nằm dài chờ khách dù được đưa ra từ trước tết để đón khách vào Nam”.

Năm nay, các hãng vận tải đã đề nghị tăng mức cước các tuyến đường dài lên từ 40-60% so với ngày bình thường do các tuyến này chỉ có khách một chiều, phải bù cho chuyến ngược lại.

Theo đó, tuyến Hà Nội - TPHCM có giá cước mới là 720.000 đồng/khách, Hà Nội - Gia Lai là 450.000 đồng/khách, Hà Nội - Đà Nẵng là 240.000 đồng/khách. Các mức giá này đều được niêm yết công khai trên bảng và vé. Giá vé này sẽ trở lại bình thường vào ngày 20 âm lịch.

Trái ngược với không khí ảm đạm tại phòng vé của các bến xe, các khu vực bến cóc trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, ngã ba Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng… lại có phần náo nhiệt.

Tại những điểm đỗ trái pháp luật này, không khi nào vắng bóng hàng chục hành khách đứng ngồi lổn ngổn và ra sức chong mắt ra phía mặt đường để bắt xe. Lý do cũng muôn hình vạn trạng nhưng hầu hết đều cho rằng: vì tiện cho việc bắt xe và trả giá!

Theo anh Hoàng Hải Nam, quê ở Hà Đông đi làm tại khu công nghiệp Biên Hòa - Đồng Nai: bắt xe khách ở ngoài giá “mềm” hơn so với trong bến. Mặc dù, các lơ xe thường hét với giá trên trời, nhưng nếu khéo ăn khéo nói và sẵn sàng “chai mặt” thì giá có thể giảm xuống chỉ còn 600.000 đồng.

Đường sắt, hàng không: không đột biến

Tại Ga Hà Nội chiều và tối ngày 11/2, lượng khách khá thưa thớt. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Ga Hà Nội cho biết: Trong kế hoạch vận chuyển hành khách trước và sau Tết, ga Hà Nội đã bổ sung thêm 15% ghế phụ trên mỗi chuyến tàu sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, những ngày ngoài tết, chưa có chuyến nào phải sử dụng đến ghế phụ.

Không khí tại các phòng bán vé máy bay nội địa cũng không sôm tụ như những ngày trước tết. Đến thời điểm này, toàn mạng bay gần như đã hết chỗ trên các chuyến cất cánh vào “giờ vàng” (từ 10h - 17h hằng ngày) và các ngày xuất hành “đẹp” tức mùng 4 mùng 6 tết.

Từ trước tết, theo tập quán đi lại của hành khách, Vietnam Airlines lên kế hoạch bay Tết cao điểm từ ngày 24/1 đến 21/2(tức 17 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng) với khả năng cung ứng chỗ tăng 40%-83% so với bình thường.

Cụ thể, trên đường trục Hà Nội - TPHCM tăng 246 chuyến bay. Theo đó, mỗi ngày Vietnam Airlines cung ứng khoảng 3.600 - 5.900 ghế/chiều, với tần suất bay 15 - 22 chuyến. Vào ngày cao điểm, hãng sẽ tăng khoảng 83% khả năng cung ứng chỗ so với bình thường.

Đường bay TPHCM - Đà Nẵng tăng 72 chuyến, tần suất bay 5 - 7 chuyến/chiều/ngày, với số ghế cung ứng đạt 1.200 - 1.700 ghế/chiều. Ngày cao điểm nhất, đường bay này tăng 40% khả năng cung ứng chỗ.

Pacific Airlines cũng tăng thêm 2 máy bay, nâng tổng số máy bay khai thác lên 5 chiếc và mở 3 đường bay mới (từ TPHCM đi Huế, Vinh, Hải Phòng). Trong đó, đường bay Hải Phòng - TPHCM sẽ giảm tải cho đường trục vì hành khách từ Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có thể đi từ sân bay Cát Bi...

Trao đổi với Dân trí, đại diện của các hãng Vietnam Airlines và Pacific Arlines đều cho biết, không có sự đột biến về lượng khách. Lượng hành khách nội địa những ngày này chủ yếu là “trả chuyến” từ những ngày trước tết.

Phúc Hưng