1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giá vàng tăng có thúc đẩy lạm phát?

Mấy ngày qua, giá vàng tăng liên tục và có chiều hướng vượt ngưỡng 900.000 đồng/chỉ. Vì sao vậy và nó ảnh hưởng thế nào đối với đời sống xã hội? Liệu giá vàng tăng có thúc đẩy chỉ số lạm phát lên mức nguy hiểm? Đó là những vấn đề cần được xem xét nghiêm túc.

Nguyên nhân: nhu cầu tăng

 

Do “cầu” trên thế giới tăng mạnh nên trong quý II-2005, giá vàng thế giới đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ những nước có “truyền thống” tiêu thụ vàng lớn hàng đầu thế giới mà ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, nhu cầu nhập khẩu vàng cũng tăng mạnh. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất đẩy giá vàng thế giới lên cao.

 

Mặt khác, việc Mỹ tăng lãi suất đồng USD làm cho các nhà đầu tư gia tăng mua vàng dự trữ để bảo toàn vốn. Thêm nữa, việc khai thác vàng trên thế giới đang gặp khó khăn so với trước, càng khiến giá vàng thế giới bị đẩy lên.

 

Bên cạnh đó, giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào tỷ giá VNĐ/USD - mà ở nước ta, tỷ giá này liên tục tăng. Cộng cả hai nguyên nhân: giá vàng quốc tế tăng, tỉ giá tăng đã làm cho giá vàng trong nước tăng cao.

 

Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng còn có nguyên do xuất phát từ tâm lý người dân Việt Nam vẫn thích dự trữ vàng, đặc biệt là trong điều kiện có lạm phát (lạm phát càng cao thì mức độ dự trữ vàng càng lớn), nhu cầu mua vàng để dự trữ càng nhiều. Bên cạnh đó, người dân vẫn quen sử dụng vàng trong việc đầu tư mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị cao. Điều đó cũng làm cho giá vàng tăng.

 

Hệ quả và giải pháp bình ổn

 

Giá vàng tăng khiến các loại hàng hóa và dịch vụ khác có xu hướng tăng. Đó là những nhân tố dẫn đến lạm phát. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát đến mức nào còn tùy thuộc vào các biện pháp tác động của nhà nước thông qua hệ thống quản lý vĩ mô. Khi giá cả tăng lên thì đời sống của cán bộ công nhân viên, những người hưởng đồng lương cơ bản sẽ bị thiệt hại (tuy chúng ta có điều chỉnh tiền lương nhưng tốc độ tăng lương không kịp với tốc độ tăng giá). Ngoài ra, ở thị trường bất động sản, những người vay nợ bằng vàng để mua nhà sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề trả nợ.

 

Việc điều chỉnh giá vàng trong nước thời gian vừa qua tương đối hợp lý, bởi vì nó tạo được mức gần sát với thị trường (hiện nay, giá vàng trong nước còn thấp so với giá vàng thế giới).

 

Nhưng để giảm bớt những cơn sốc về giá vàng tăng, nhà nước nên cho tự do xuất nhập khẩu vàng, giúp cho giá vàng trong nước bằng với giá thế giới. Điều này còn tránh được tình trạng đầu cơ buôn bán vàng vượt biên giới như xảy ra đối với xăng dầu.

 

Ngân hàng trung ương cần thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng ổn định để đồng tiền Việt Nam có giá và đảm bảo cho “người Việt Nam tin tưởng vào tiền Việt Nam”. Người dân sẽ dùng tiền làm “vật bảo đảm” thay cho vàng. Muốn như vậy phải kiểm soát được lạm phát.

 

Khi đó giá vàng sẽ ít ảnh hưởng đến đời sống người dân. Các ngân hàng thương mại nên giới thiệu thêm dịch vụ “quyền chọn vàng”, những người có nợ vàng nên đến ngân hàng để mua quyền chọn vàng (“call option” vàng).

 

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam phải có nhiều giải pháp đột phá, ổn định và phát triển, làm sao tránh được những cú sốc như những năm 2001-2002. Lúc đó chắc chắn người dân sẽ đầu tư vào thị trường chứng khoán, không còn quan tâm đến việc dự trữ vàng.

 

Về phía người dân phải biết bảo vệ mình trước sự biến động giá vàng. Nên gửi tiết kiệm ngân hàng bằng đồng VN, hoặc gửi bằng hình thức tiết kiệm đảm bảo bằng vàng. Tất cả các hình thức đều có thể bảo tồn được giá trị. Vì hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể đảm bảo cho việc gửi tiền một cách chắc chắn. Vả lại, hiện nay hệ thống ngân hàng đã có bảo hiểm tiền gửi.

 

Những phân tích trên đây cho thấy, giá vàng lên xuống là việc bình thường chứ không phải do đồng tiền mất giá. Người dân không nên đổ xô đi mua vàng khiến nhu cầu vàng tăng đột biến, giá vàng sẽ bị đẩy lên quá cao, thoát ly giá trị thực của nó.

 

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN

Trưởng khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TPHCM

Báo Sài Gòn Giải Phóng