1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giá nhiều mặt hàng lặng lẽ... leo thang

Nửa đầu tháng 6, tại thị trường TPHCM, hàng loạt mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng như nước mắm, bột ngọt, bột mì, bột giặt, dầu gội, nước rửa chén, nước lau sàn... lần lượt có giá mới.

Chủ một hệ thống siêu thị mini trên địa bàn TPHCM cho biết, giá bán của nhà sản xuất tăng buộc các nhà phân phối phải tăng theo. Ông cũng cho biết, nếu tính từ tháng 5 đến nay, gần 90% nhà cung cấp đều tăng giá 5 - 20%.

Tăng mạnh nhất là thực phẩm, hóa mỹ phẩm...

Không ồ ạt như những lần tăng giá trước, hiện nay nhà cung cấp tăng giá lần lượt từng nhóm sản phẩm để người tiêu dùng ít chú ý. Chẳng hạn từ giữa tháng 5, theo đà tăng giá thịt heo, nhiều mặt hàng thực phẩm đóng hộp, đông lạnh của Vissan được điều chỉnh nhích lên.

Gần đây nhất, Unilever đã tăng giá khoảng 20% một số mặt hàng, sản phẩm của Thorakao có loại tăng đến 50%; P&G đang chuẩn bị tăng. Các loại nước mắm Chinsu, Nam Ngư, Nha Trang... tăng khoảng 1.000 đồng/chai.

Bột giặt Omo, nước rửa chén Sunlight cũng đã niêm yết giá mới, trong đó nước rửa chén Sunlight 450 ml tăng thêm 500 đồng, bột giặt Omo loại 400 g tăng 1.000 đồng, loại 3 kg tăng thêm 3.000 đồng.

Ngay cả một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá như đường, muối cũng tăng giá bán. Giá đường siêu thị nhập vào đã tăng thêm 500 đồng/kg, lên 8.500 đồng - 8.800 đồng/kg, đường xuất khẩu nhập vào 9.800 đồng - 10.500 đồng/kg.

Giá muối loại thường tại các chợ tăng 1.000 đồng/kg, lên 3.000 đồng/kg. Các loại nước ép trái cây, trà xanh cũng rục rịch lên kế hoạch tăng giá...

Một số chiêu thức tăng giá hàng hóa khác gần đây được các nhà sản xuất lựa chọn (đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, sữa) là không tăng giá nhưng giảm trọng lượng sản phẩm hoặc ra mắt sản phẩm mới, đổi mẫu mã sản phẩm và nâng giá bán.

Chẳng hạn: sữa Abbot Mama hộp 400g nay chỉ còn 300g; sữa Dumex hộp 900g còn 800g; sữa chua Vinamilk có đường trước đây từ 120g còn 110g, nay chỉ còn 100g/hũ. Sữa Enfa ra mắt sản phẩm mới A+4xDHA, giá bán lên đến 232.000 đồng/hộp 900g...

Với kiểu tăng giá này, chỉ những người tiêu dùng thường xuyên và người tinh ý mới phát hiện được.

Viện đủ lý do để tăng giá

Chỉ trong nửa đầu tháng 6, giá gas tăng phi mã lên đến 305.000 đồng/bình 13 kg mở đầu đợt tăng giá những mặt hàng chịu tác động mạnh từ tỉ giá USD. Tiếp ngay sau đó, hàng loạt nhãn hiệu dầu ăn điều chỉnh giá bán sản phẩm tăng đến 20%.

Giá các loại dầu đậu nành và dầu ăn khác của nhãn hiệu Tường An, Neptune, Simply, Omax... đã lên đến 32.000 đồng - 36.500 đồng/lít. Dầu Tường An loại 1 lít, bán tại siêu thị Hà Nội (quận 1) lên đến 37.600 đồng/chai, tăng 2.600 đồng/chai so với đầu tháng 5 và tăng hơn 20.000 đồng/chai so với cùng kỳ năm ngoái...

Hầu hết các công ty sản xuất cho rằng do giá nguyên liệu tăng, giá USD tăng cao trong khi mặt hàng dầu ăn phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên không thể kìm giá.

Mặt hàng gà nhập khẩu cũng đã tăng 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh, cho biết: Đó chỉ là giá bán cho đợt hàng cũ. Sắp tới, giá thịt gà ngoại sẽ tăng thêm vài ngàn đồng/kg.

Ông Minh kêu: “Giá thịt gà ngoại (đùi và cánh gà) mua tại nước ngoài đã tăng thêm 20 - 30% cộng thêm giá USD tăng mạnh khiến giá vốn tại các công ty nhập khẩu đã lên đến 27.000 đồng - 29.000 đồng/kg, trong khi giá vốn trước đây chỉ 23.000 đồng - 24.000 đồng/kg”.

Giá thịt gà nhập khẩu tăng đẩy giá gà vịt trong nước tăng theo. Gà công nghiệp tại trại đã lên đến 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg, vịt bán sỉ lên đến 50.000 đồng/kg, tăng hơn 7.000 đồng/kg so với tháng trước.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, cho biết do ảnh hưởng tình hình tăng giá chung toàn thế giới và tỉ giá USD tăng mạnh nên tác động xấu đến giá hàng hóa nhập khẩu thời gian gần đây.

Theo Thanh Nhân
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm