1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đà Nẵng:

Giả nhân viên viễn thông và công an, lừa đảo qua điện thoại

(Dân trí) – Thủ đoạn của những đối tượng này là giả nhân viên viễn thông để báo nợ cước điện thoại, rồi giả công an hù dọa người dân có liên quan đến đường dây phạm tội yêu cầu họ phải chuyển số tiền lớn vào tài sản của chúng.

Theo phản ánh của chị V. T. H (trú phường Hòa Khánh Bắc, quân Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) với báo Dân trí, vào sáng 3/9, chị đang ở trong bếp thì nghe chuông điện thoại bàn reo. Khi chị nhấc máy lên thì nghe đầu dây bên kia nói: đây là tổng đài VNPT, nợ cước của quý khách hiện chưa thanh toán là 8.930.000 đồng. Vậy xin mời quý khách thanh toán trong vòng 24 giờ. Nếu trong vòng 24h, quý khách không thanh toán số tiền trên chúng tôi sẽ đưa quý khách ra trước cơ quan pháp luật. Nếu quý khách chuyển khoản thì nấm phím số … (chị H không thanh toán nên không để ý là bấm phím số mấy). Nếu quý khách muốn giải đáp thắc mắc thì bấm phím số 9.

Vì nghĩ mình không nợ tiền cước điện thoại, chị H muốn được giải đáp thắc mắc nên đã bấm phím số 9. Khi chị H bấm phím số 9, đầu dây bên kia một thanh niên tự xưng là điện thoại viên của VNPT. Chị H nói với điện thoại viên kia là mình không nợ tiền cước tháng 8 và nhờ điện thoại viên kia kiểm tra lại dùm. Thanh niên kia hỏi chị tên thuê bao đại diện. Sau “kiểm tra” một lúc, thanh niên kia bảo hiện tại chị không nợ cước điện thoại.

“Thế sao lại vô lý vậy? Chị ở Đà Nẵng sao tổng đài ở TPHCM lại đòi cước điện thoại của chị” “, chị H hỏi.

Người dân phải cảnh giác với trò lừa đảo qua điện thoại này
Người dân phải cảnh giác với trò lừa đảo qua điện thoại này

Thanh niên kia hỏi chị có cho ai mượn chứng minh nhân dân hay là mất không? Chị H đều trả lời không.

Đầu dây bên kia nói tiếp: chắc chị đi photo chứng minh nhân dân đã bị kẻ gian lợi dụng. Giờ chị phải báo cho công an TPHCM để khai báo sự việc.

Rồi thanh niên kia nói kết nối điện thoại với "công an TPHCM" cho chị để chị khai báo sự việc. Đầu dây bên kia tự xung là trung úy Lê Đình Chiến, đội số 1 – đội phòng chống ma túy TPHCM. Chị H kể lại sự việc trên cho “trung úy Lê Đình Chiến” thì  “Chiến” cho biết, hiện có 1 thuê bao trong TPHCM mạo danh tên chị nên đã phát sinh ra số cước thuê bao trên.

Sau đó “Lê Đình Chiến” gọi điện cho một người khác nói chuyện nhưng vẫn giữ máy để chị H nghe cuộc gọi giữa “Chiến” và người bên kia. Bên kia xác nhận V.T.H hiện không nợ cước điện thoại và sẽ đưa chị H ra VNPT để xóa nợ. Tuy nhiên V.T.H đã bị đối tượng Nguyễn Văn Hùng lợi dụng chứng minh nhân dân để buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Giờ phải xác minh xem chị H có liên quan không. Hiện cơ quan công an đã bắt được Nguyễn Văn Hùng, khám xét tại nhà Hùng phát hiện 10 bánh heroin, 4 tỷ đồng gửi ở ngân hàng T., 2,8 tỷ đồng gửi ở ngân hàng S và 18 thẻ tín dụng trong đó có 1 thẻ mang tên V.T.H. Qua điều tra, biết được tên Hùng là nhân viên của ngân hàng S.

Tiếp đó, “Lê Đình Chiến” hỏi chị H có quen với tên Hùng không? Có làm mất chứng minh nhân dân không? Có cho ai mượn chứng minh nhân dân không? Phải thành thật khai báo. Chị H đều trả lời không.

Đối tượng trên tiếp tục hù dọa chị H là phải thành thật khai báo. Rồi hỏi chị H có bao nhiêu thẻ tín dụng? Trong nhà có bao nhiêu người? Anh em ở đâu? Có mấy chiếc xe? Có bao nhiêu miếng đất?  Hiện chị có bao nhiêu vàng, tiền? ..

Chị H trả lời có 2 thẻ tín dụng nhưng không có tiền, hiện không có tiền vàng, không có đất, có 2 chiếc xe máy…

“Ngày mai, đúng 9h30, công an TPHCM sẽ phối hợp với công an Đà Nẵng để đến nhà chị điều tra, niêm phong tài sản. Chị không được báo cho ai cả? Nếu chị báo cho chồng con chị biết, đối tượng Nguyễn Văn Hùng biết sẽ bắt cóc họ”, “Lê Đình Chiến” nói.

Sau khi kết thúc cuộc gọi, chị H cũng không nói với chồng con. Tuy nhiên, xâu chuỗi lại sự việc nên chị cũng nghi ngờ. Chị gọi 1080 của TPHCM để hỏi tên người đứng thuê bao mà “công an” cho chị thì 1080 cho biết thuê bao trên không phải đứng tên Nguyễn Văn Hùng mà tên của một người khác. Lúc này thì chị biết chính xác là mình bị lừa. Chị H tiếp tục gọi 1080 để xin số điện thoại đường dây nóng của công TPHCM và kể lại sự việc trên thì công an TPHCM cho biết, ở đây không có ai tên là Lê Đình Chiến và bảo chị bị lừa. Số điện thoại của đối tượng trên sử dụng là +839.231.xxx trong khi số điện thoại đường dây nóng của công an TPHCM là 0839.231.xxx. Chị H cũng gọi cho công an Đà Nẵng và cũng được thông báo là chị bị lừa.

Đến 9h30 ngày hôm sau, chị H chuẩn bị sẵn sàng và báo cho công an phường khi chúng đến thì ập vào bắt luôn nhưng không thấy chúng tới. 

Theo chị H, có lẽ chị khai báo không có tiền nên chúng không thể yêu cầu chị đi chuyển tiền cho chúng được và chúng cũng đã phát hiện ra điều gì đó nên không dám tới nhà chị. 

Thời gian vừa qua, nhiều người ở địa bàn như Hà Nội, Thanh Hóa, Lâm Đồng... cũng đã bị chúng lừa với thủ đoạn tương tự. Chúng yêu cầu người dân chuyển toàn bộ số tiền họ mà đang có cho “cơ quan công an để phục vụ điều tra”. Nếu "cơ quan điều tr"a chứng minh họ trong sạch sẽ trả tiền lại. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, họ chẳng thấy "cơ quan điều tra" hồi âm thì mới biết mình đã bị lừa. 

Khánh Hồng