Gia đình ở TPHCM nấu 650 suất cơm/ngày, tặng gạo cho trẻ em nghèo

Hương Thảo

(Dân trí) - Gần 2 tháng nay, cứ vào 4 giờ sáng từ thứ 2 tới thứ 7, căn bếp của gia đình anh Huỳnh Quang Khải (Hiệp Thành, quận 12, TP HCM) lại "đỏ lửa" để nấu những suất cơm nghĩa tình.

Gia đình ở TPHCM nấu 650 suất cơm/ngày, tặng gạo cho trẻ em nghèo

4h sáng, khi trời còn nhá nhem, cả gia đình anh Khải lại thức giấc rồi tất bật với công việc thiện nguyện. Mỗi người một việc, người nhặt rau, thái hành, tỏi, người băm thịt, làm cá, người vo gạo nấu cơm.

Từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc chỉ thị 16, một số gia đình công nhân xung quanh nhà anh Khải không đi làm. Khi biết anh thực hiện "Bếp ăn 0 đồng Ngọc Việt" hỗ trợ người nghèo, nhiều người cùng xắn tay giúp sức.

Mỗi ngày, 650 suất cơm ngon, đủ dinh dưỡng, nóng hổi được nấu và trao cho những người bán vé số, người nhặt ve chai; tặng những khu nhà trọ công nhân đang phải cách ly và một phần dành tặng dân quân, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ ở các chốt xung quanh phường.

Gia đình ở TPHCM nấu 650 suất cơm/ngày, tặng gạo cho trẻ em nghèo - 1
Một góc gian bếp của gia đình anh Khải luôn có sự chung tay của mọi người.

Mở bếp ăn sau một đêm trằn trọc

Nói về ý tưởng mở bếp ăn, anh Khải nhớ câu chuyện gặp một cụ ông với dáng người khắc khổ, mua chiếc bánh mì không. Nghe chuyện của cụ chia sẻ, vì không có tiền nên mua bánh mì không ăn qua ngày, anh Khải nghẹn lòng. Đêm đó, anh trằn trọc, nghĩ về những mảnh đời nghèo khó, vất vả mưu sinh mỗi ngày.

Chỉ một ngày sau, anh và cả gia đình quyết định thực hiện "Bếp ăn 0 đồng". Ngày đầu, gia đình làm 100 phần cơm, phát trước cửa nhà. Sau đó, thấy lượng người khó khăn nhiều, gia đình tăng lên 150 suất rồi 250 suất.

"Đến thời điểm thành phố thực hiện chỉ thị 16, tôi thấy nhiều khu vực bị phong tỏa và cách ly, người nghèo, công nhân không thể đi làm, cũng không thể đến nhận cơm. Tôi nhờ sự trợ giúp của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và UBND phường Hiệp Thành để có thể tặng cơm tới các khu vực cách ly", anh Khải chia sẻ.

Gia đình ở TPHCM nấu 650 suất cơm/ngày, tặng gạo cho trẻ em nghèo - 2
Anh Khải (bên phải) chuẩn bị chở cơm đến các khu trọ đang thực hiện cách ly.

Sau khi chở cơm đi tặng mọi người, anh Khải lại cùng gia đình tất bật chuẩn bị thực phẩm cho ngày hôm sau. Có những ngày nấu cá và gà kho… tới 20h-21h mới xong việc. Mặc dù mệt nhưng 4h sáng ngày hôm sau, mọi người lại có mặt để tiếp tục công việc.

Gia đình ở TPHCM nấu 650 suất cơm/ngày, tặng gạo cho trẻ em nghèo - 3
Thời gian đầu, anh Khải phát cơm ngay trước cửa nhà giúp đỡ nhiều bà con khó khăn.

Sau gần 2 tháng duy trì bếp ăn, có lúc gia đình gặp khó khăn về tài chính hay nguồn lương thực, thực phẩm. Tuy vậy, anh Khải không kêu gọi ủng hộ về tiền bạc. Thông qua mạng xã hội, người đàn ông này kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ gạo, thực phẩm, thịt cá, than...

"Mọi người gửi từng túi hành, tỏi, ngò… đến thịt, cá, bò, gà. Nhiều mạnh thường quân gửi rau sạch từ Đà Lạt vào. Bếp ăn duy trì được 650 suất mỗi ngày là nhờ sự chung tay của rất nhiều người", anh Khải chia sẻ.

Gia đình ở TPHCM nấu 650 suất cơm/ngày, tặng gạo cho trẻ em nghèo - 4

Thực phẩm được các nhà hảo tâm từ khắp nơi gửi tặng bếp ăn.

"Công việc này vất vả, nhưng nhìn mọi người được ăn suất cơm ấm áp nghĩa tình là mình cảm thấy vui, quên hết cực nhọc", anh Khải cho hay.

Mong ngày gặp lại học trò ở lớp học tình thương

Trong nhiều năm qua, anh Khải đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, lớp học tình thương của anh Huỳnh Quang Khải luôn là ngôi nhà thứ 2 của những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận 12, TP HCM.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đều đặn 6 buổi/tuần, các em lại đến lớp. Trong gian nhà rộng khoảng 20m2, 32 em nhỏ cặm cụi nắn nót từng câu chữ, đọc bảng cửu chương. Trong đó, có những em mắc bệnh bẩm sinh, chậm phát triển nên thầy, cô phải kèm riêng.

Gia đình ở TPHCM nấu 650 suất cơm/ngày, tặng gạo cho trẻ em nghèo - 5
Lớp học của anh Khải trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Trên bảng tên của lớp luôn có dòng chữ "Sống là cho đi", đây cũng là châm ngôn sống và cũng là điều mà anh muốn học trò thấu hiểu.

"Mình phải dừng lớp học từ 29/5 đến nay, đã hơn 2 tháng không gặp lại các em", anh Khải cho biết. Hằng ngày, cuộc sống của gia đình nhiều học sinh vốn đã khó khăn thì trong lúc dịch bệnh lại càng vất vả. Vì vậy, anh tìm đủ mọi cách hỗ trợ. Cứ 2 tuần một lần, anh Khải mang gạo tới tặng gia đình các học trò.

Mỗi ngày đi qua, anh Khải mong mỏi dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Cuộc sống sẽ trở lại bình thường để những người nghèo vượt qua khó khăn, các em nhỏ tiếp tục học chữ, làm toán trong lớp học nhỏ ngập tràn tình thương.