1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia đình có 11 người được công nhận liệt sỹ

Đó là gia đình ông Nguyễn Biểu ở thôn Hà My Tây, xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Hai vợ chồng ông, 6 người con, 2 người rể và 1 người cháu ngoại đã lần lượt hy sinh…

Gia đình có 11 người được công nhận liệt sỹ

Anh Nguyễn Hữu Bông bên các bằng Tổ quốc ghi công của các liệt sỹ trong gia đình. Ảnh: Ngọc Phó

Ra đời trong chiếc nôi cách mạng nên sớm giác ngộ lý tưởng, trong thời chống Pháp rồi đến chống Mỹ, vợ chồng ông Nguyễn Biểu và bà Nguyễn Thị Kiều thường xuyên là cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích của ta ngay từ buổi đầu kháng chiến. Tiêu biểu là tập thể Ban Thường vụ Thị ủy Hội An, trong đó có đồng chí Lưu Văn Lộc, Bí thư Thị ủy Hội An đã bám trụ ở đây dài ngày để chỉ đạo phong trào hoạt động cơ sở ở vùng Đông - Bắc Quảng Nam.

Liên tiếp trong vòng 4 năm, gia đình ông Biểu, bà Kiều nhận 4 cái tang. Năm 1964, anh Nguyễn Đủ, Trung đội Trưởng du kích xã (con trai đầu của ông bà) hy sinh khi đi truy kích địch ở Gò Nông. Năm 1965, người con trai kế là Nguyễn Đông, Xã đội Phó anh dũng hy sinh. Năm 1966, người con gái là bà Nguyễn Thị Đều đang là cán bộ phụ nữ xã, dám lấy thân người nằm chặn dưới bánh xích xe tăng của Mỹ đã anh dũng hy sinh. Năm 1967, trong một lần đi tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đánh giặc, ông Biểu (chồng bà Kiều) bị bọn địch bủa vây bắn chết.

Bà Kiều không còn nước mắt khóc tiễn đưa chồng, con đã hy sinh cho đất nước. Trước sự hy sinh, mất mát không gì bù đắp nổi, bà tiếp tục động viên các con dâu thờ chồng, nuôi con và là cơ sở tin cậy giúp đỡ cách mạng.

Năm 1969, anh Nguyễn Lương, con trai thứ của ông bà, là du kích xã đang trên đường đi công tác, bị pháo địch sát hại khi chưa kịp có mối tình đầu.

Hai năm sau nữa, người con trai cuối cùng của gia đình của bà Kiều, là anh Nguyễn Mãn, Bí thư Đảng ủy xã, cũng hy sinh trong một trận địch càn dồn dân ở Điện Dương.

Thắp nén hương trên một bàn thờ đầy ắp các tấm bằng Tổ quốc ghi công, bà Huỳnh Thị Ngó (vợ liệt sĩ Nguyễn Mãn) sụt sùi: “Sau vụ thảm sát xóm Tây, địch bắt tôi đi tù mấy lần, buộc cả nhà bỏ quê tản cư ra Đà Nẵng ở. Trong 6 đứa cháu còn lại của ông bà Biểu, chỉ con tôi là Nguyễn Hữu Bông, cháu nội trai duy nhất. Nhiều lần nhận được thư của chồng do cơ sở đưa về, anh ấy từng viết: “Cuộc chiến đấu này vô cùng ác liệt, chắc tôi cũng sẽ hy sinh. Em hãy gắng nuôi con, giọt máu cuối cùng của gia đình ta, để cháu lớn lên thờ tự ông bà...”.

Anh Bông cho biết thêm: Chị Lê Thị Hiệp, nguyên là chiến sỹ giao liên trong chiến tranh là con của bà Nguyễn Thị Điểu vẫn ở vậy để thờ phụng cha mẹ, hương khói anh em mình cho đến nay. Cha chị Hiệp là ông Lê Khế phụ trách Vùng Đội trưởng, anh trai là Lê Công Xuân, cán bộ an ninh đều hy sinh cho cách mạng. Bà Nguyễn Thị Đều có chồng là ông Nguyễn Tính tập kết ra bắc rồi vào Nam chiến đấu và hy sinh…

Đi qua cuộc chiến, cả gia đình ông Nguyễn Biểu và bà Nguyễn Thị Kiều đã có 11 người được công nhận là liệt sỹ, riêng bà Kiều và bà Điểu đều dược phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Theo Ngọc Phó

Báo Thanh tra