Bình Dương:
Gia đình các nạn nhân yêu cầu khởi tố chủ doanh nghiệp Dìn Ký
(Dân trí) - Sau khi có mặt tại Việt Nam, thân nhân các nạn nhân mang quốc tịch Trung Quốc đã gửi đơn đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nhờ can thiệp, trợ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân.
Theo đó, người thân của 4 nạn nhân người Trung Quốc này đã làm đơn gửi đến VKSND tỉnh Bình Dương, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đề nghị xử lý hình sự, khởi tố chủ DNTN Dìn Ký Cầu Ngang (đóng tại Thị xã Thuận An, Bình Dương) về các lỗi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các nạn nhân người Trung Quốc thiệt mạng trong vụ lật tàu Dìn Ký vào tối 20/5 gồm: Zhuo Ying Hua, Jiang Li, Guo Dong Hui và Guo De Cai. Ngay sau khi được tìm thấy, những thi thể những người này được chuyển về nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm bảo quản xác trong quá trình làm các thủ tục cần thiết để đưa về nước.
Dựa vào phần nhận trách nhiệm và thú nhận các lỗi mà ông chủ DNTN Dìn Ký đã thừa nhận trước đó, người nhà nạn nhân đã yêu cầu xử lý nghiêm minh. Cụ thể: yêu cầu khởi tố chủ DNTN Dìn Ký vì đã có hành vi sử dụng phương tiện giao thông đường thủy kém chất lượng, hết hạn đăng kiểm, giao tàu du lịch cho người không có bằng lái điều khiển dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, trong đơn gửi các cơ quan chức năng, người thân của 4 nạn nhân này còn yêu cầu phong tỏa toàn bộ tài sản, cấm mua bán chuyển nhượng, thay đổi chủ sở hữu của DNTN Dìn Ký… để đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ giải quyết tổn thất và bồi thường dân sự cho người bị nạn.
Liên quan đến vụ việc này, ông Châu Hoàn Tâm - chủ DNTN Dìn Ký - cho biết, sau khi xảy ra sự cố chìm tàu, ông đã huy động tất cả nguồn lực, tiền bạc để lo hậu sự cho những nạn nhân đã thiệt mạng. Đồng thời, ông Châu gửi đến gia đình các nạn nhân lời xin lỗi chân thành nhất và nhận một phần trách nhiệm về mình.
Ông Tâm cho biết thêm, với những nạn nhân là người Việt Nam thì trước mắt sẽ đáp ứng những yêu cầu cấp bách để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, tư tưởng. Hiện phía Dìn Ký đã cử đại diện đến từng nhà nạn nhân động viên thăm hỏi; qua đó xem xét từng trường hợp để có hướng hỗ trợ thích hợp.
“Trong số các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh của bé Trần Đình Quang rất thương tâm, khi mất cả bố, mẹ và em gái. Bằng mọi cách chúng tôi sẽ có trách nhiệm chăm lo cho bé Quang chu đáo để bố mẹ cháu được an lòng” - ông Tâm nói.
Riêng các nạn nhân là người Trung Quốc, phía Dìn Ký sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của gia đình các nạn nhân. Theo đó, 4 người thiệt mạng sẽ được đưa về nước bằng đường hàng không. Có thể chuyển nguyên vẹn thi thể người bị nạn về nước rồi an táng, với chi phí ước tính khoảng 8.000 USD/nạn nhân. Hai là hỏa táng tại Việt Nam rồi mang tro cốt về nước, có chi phí khoảng 7.000 USD/nạn nhân.
“Sau khi lo hậu sự cho các nạn nhân ổn định, chúng tôi sẽ tiến hành thương thảo với gia đình các nạn nhân các vấn đề còn lại. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và đáp ứng mọi yêu cầu của gia đình các nạn nhân” - ông Tâm khẳng định.
Bến du thuyền “lậu” của Dìn Ký chính thức bị đình chỉ sau thời gian dài hoạt động "chui"
Sau vụ lật du thuyền khiến 16 người thiệt mạng cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã ra quyết định đình chỉ hoạt động bến khách tại Khu du lịch (KDL) xanh Dìn Ký; đình chỉ hoạt động chiếc tàu 2 tầng dùng làm khách sạn nổi phục vụ du khách tại KDL Dìn Ký. Ngoài ra, khu nhà hàng nổi cũng được tính phương án cưỡng chế buộc tháo dỡ, di dời.
Đồng thời, các ban ngành có liên quan sẽ tiên hành họp bàn tính đến biện pháp cưỡng chế, buộc tháo dỡ phần nhà hàng nổi rộng hơn 200m2 lấn chiếm lòng sông Sài Gòn. Trước đó, ngành chức năng đã qua kiểm tra khu nhà hàng được kết nối bằng hàng trăm thùng phuy cũ không đủ an toàn nên cơ quan chức năng không thể cấp phép hoạt động.
Trung Kiên