1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giá điện sinh hoạt tăng mạnh

Giá điện sản xuất được giữ nguyên nhưng giá điện sinh hoạt tính từ 400 kWh trở lên sẽ bị áp ở mức rất cao. Giá điện áp dụng cho khối hành chính sự nghiệp cũng tăng mạnh.

Chiều qua 3/4, tổ công tác liên ngành về giá điện đã có cuộc họp tổng kết đợt trưng cầu ý dân về 4 phương án tăng giá. Theo đó, phương án 3 được chọn, có bổ sung một số thay đổi, để trình Thủ tướng.

 

Phương án 3 được tổ công tác đưa ra là không tăng giá điện sản xuất giờ bình thường và thấp điểm; tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các đối tượng.

 

Tăng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn từ 390 đồng/kWh lên 410 đồng/kWh. Tăng giá 100 kWh đầu điện sinh hoạt bậc thang từ 550 đồng/kWh lên 630 đồng/kWh. Các bậc thang điện sinh hoạt trên 100 kWh tăng từ 16% đến 22%.

 

Sau khi tham khảo ý kiến đóng góp, tổ công tác liên ngành quyết định sẽ giữ nguyên giá điện sản xuất, có lộ trình xóa bỏ ưu đãi về giá điện cho các hộ tiêu dùng lớn như sản xuất than, xi măng, phân bón, nước sạch, tăng mạnh giá điện áp dụng cho khối hành chính sự nghiệp.

 

Đặc biệt giá điện sinh hoạt tính từ 400 kWh trở lên sẽ bị áp ở mức rất cao, con số cụ thể đang được các chuyên gia tính toán sau khi cân đối mọi yếu tố.

 

Theo Bộ Công nghiệp, đợt trưng cầu dân ý về các phương án tăng giá điện thu được gần 3.000 ý kiến đóng góp, trong đó phương án 3 được nhiều người lựa chọn nhất, chiếm hơn 31%.

 

Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến người dân do nhiều cơ quan thông tin đại chúng tiến hành cho thấy hơn 80% ý kiến đề nghị không tăng giá điện, thay vào đó nên tìm giải pháp tiết kiệm điện hoặc cổ phần hóa phát hành trái phiếu huy động vốn đầu tư cho ngành điện.

 

Nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, số tiền gần 15.000 tỷ đồng dự kiến thu được do tăng giá điện chỉ bằng một phần nhỏ chi phí các ngành sản xuất và người dân phải bỏ thêm để chống đỡ cảnh giá cả leo thang.

 

Theo Phong Lan

Vnexpress