TPHCM:
Giá đất năm 2010 dự kiến không thay đổi nhiều
(Dân trí) - UBND TPHCM vừa gửi HĐND TP tờ trình về điều chỉnh bảng giá đất các loại đất trên địa bàn TPHCM áp dụng trong năm 2010. Theo đó, UBND TP đề xuất giữ nguyên giá của hầu hết các tuyến đường.
Các tuyến đường phụ cận Đại lộ Đông Tây tăng giá khi đại lộ này được đưa vào sử dụng
Theo UBND TP thì do thị trường nhà đất năm 2009 không có biến động lớn và TP cũng chủ trương tập trung kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu thụ các sản phẩm bất động sản nên giá đất các tuyến đường hầu như được giữ nguyên, không tăng.
So với bảng giá đất năm 2009, bảng giá đất năm 2010 có bổ sung thêm 151 tuyến đường, nâng tổng số tuyến đường được xác định giá trong bảng giá đất từ 2.739 tuyến lên 2.890 tuyến.
Trong số đó chỉ có 12 tuyến đường được UBND TP đề xuất điều chỉnh giá theo hướng tăng cao. Cụ thể là các quận 1, 6, 8, 12, mỗi quận có 1 đường; quận Bình Tân có 3 đường; quận 5 có 5 đường.
Lý do UBND TP đề xuất tăng giá các tuyến đường trên là do các tuyến đường trên đã được cải tạo, mở rộng, làm mới... Trong đó có 3 tuyến đường trên địa bàn quận 1, 6 và 8 (Bến Chương Dương, Trần Văn Kiểu, Hoàng Đạo Thúy) tiếp giáp với Đại lộ Đông Tây vừa được đưa vào sử dụng.
Các tuyến đường còn lại đều được giữ nguyên giá theo bảng giá đất năm 2009. Như vậy, kỷ lục giá cao nhất vẫn thuộc về 3 tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Lợi tại quận 1 với giá 81 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, theo khảo sát của UBND TP thì bảng giá đất này vẫn còn khoảng cách rất xa so với giá đang giao dịch trên thị trường nhà đất hiện nay. Ví dụ như tuyến đường Bến Chương Dương (đoạn Hồ Tùng Mậu - Nguyễn Thái Học) dù đã được đề xuất tăng từ 25,3 triệu đồng/m2 lên 30,8 triệu đồng/m2, nhưng so với giá giao dịch trên thị trường chỉ bằng 1/4 (140 triệu đồng/m2).
Một số tuyến khác, như: đường Trần Văn Kiểu ở quận 6 (đoạn Ngô Nhân Tịnh - cầu Lò Gốm) đề xuất tăng từ 11,7 triệu đồng/m2 lên 16 triệu đồng/m2, nhưng giá thị trường là 72,7 triệu đồng/m2; đường Hoàng Đạo Thúy ở quận 8 được đề xuất tăng từ 2,2 triệu đồng/m2 lên 3,1 triệu đồng/m2, nhưng giá thị trường 14 triệu đồng/m2...
Không áp dụng để bồi thường khi thu hồi đất
Thay đổi quan trọng nhất là UBND TP đề xuất bãi bỏ 3 nhóm mục đích áp dụng bảng giá đất trên. Theo đó, 3 nhóm mục đích bị loại bỏ là: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, cho thuê đất; doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất; áp dụng để bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Trong 3 nhóm mục đích bị loại bỏ trên thì ảnh hưởng lớn nhất đến người dân là quy định áp giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Điều đó có nghĩa là trong quá trình thu hồi đất để thực hiện các dự án, nếu bảng giá đất do UBND TP ban hành chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND TP có thể căn cứ vào giá thị trường để điều chỉnh mức giá cho phù hợp, thường là theo hướng tăng cao.
Như vậy, theo tờ trình này thì bảng giá đất năm 2010 chỉ còn áp dụng để tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất; tính lệ phí trước bạ; tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước.
Tùng Nguyên