Gia cảnh khốn cùng của nạn nhân vụ tai biến vắc-xin
(Dân trí) - Một mảnh vườn đầy cỏ dại, một lối đi vắng chân người, một mái nhà tranh xiêu vẹo, nhìn xuyên thấu bầu trời… Đó là tất cả “cơ ngơi” của anh Trần Minh Trí, người vừa trở về từ cõi chết sau cơn tai biến khi tiêm ngừa vắc-xin phòng dại.
Ngày 1/8/2007, anh Trần Minh Trí ở ấp Phú Lễ, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) bị chó cắn. Một ngày sau anh đến trạm y tế xã Phú Hữu A để tiêm vắc xin phòng dại. Cứ 2 ngày anh được tiêm một mũi, đến ngày 12/8 thì hoàn thành việc tiêm ngừa.
Thế nhưng, sau một đêm dài thức dậy, bất ngờ từ trên giường bước xuống, anh Trí bị đột quỵ và không đi được. Gia đình đã đưa anh đi cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong trạng thái hôn mê.
Hành trình khổ ải tìm lại sự sống bắt đầu đổ ập lên đầu vợ chồng anh Trí, chị Ánh Hồng và 2 đứa con thơ.
Ngày 14/8, anh Trí được lệnh chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) nhưng không tiền, không xe đành nằm lại ngắc ngoải chờ. Nhờ một nhà báo tốt bụng đến thăm và cho 2 triệu đồng, ngày 24/8 anh mới được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ ở đây chẩn đoán anh Trí bị tai biến do tiêm ngừa vắc-xin dại dẫn đến liệt toàn thân.
Anh phải nằm lại bệnh viện điều trị, chị Ánh Hồng vợ anh đã phải cầm cố nhà, đất, vay nặng lãi được 15 triệu đồng nhưng số tiền đó như muối bỏ biển so với cơn tai biến của anh. Ngày ngày, vợ anh phải gửi hai đứa con nhỏ cho hàng xóm và đi làm cỏ thuê để kiếm 10 ngàn đồng. Số tiền đó không đủ mua sữa cho con, huống hồ gì nói đến việc thuốc thang chữa bệnh cho anh.
Gần 3 tháng giành giật sự sống ở Bệnh viện Chợ Rẫy, anh “được xuất viện” vì… không còn tiền chữa trị. Đón anh trở về là túp lều vốn dột nát nay càng dột nát và xiêu vẹo hơn sau những tháng ngày vắng hơi chủ. Hai con gái của anh một mới lên 5, một vừa lên 3 thẫn thờ bên người bố vốn trước đây khỏe mạnh, nay gày gò, ốm o, da bọc xương nằm bất động trên giường.
Nhìn anh Trí thở hắt từng hơi trong cơ thể chỉ còn khoảng 40kg, không ai có thể hình dung được người đàn ông này từng là trụ cột của cả gia đình. Cố gắng lắm để hỏi chuyện, nhưng chúng tôi không thể nghe rõ được những tâm sự của anh cố thoát ra từ giọng nói thều thào của một người kiệt sức.
Cảnh nhà dột nát, nhìn xuyên thấu trời mây của anh Trí.
Sau tai biến, gia cảnh khốn khó của anh được dồn sang vai người anh trai ở Sóc Trăng. Không thể tá túc trong căn nhà tranh nhìn xuyên thấu trời mây, cả 4 vợ chồng cha con anh chuyển đến ở nhờ nhà anh Trần Văn Việt ở xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Về đây cũng chỉ có thể tránh mưa nắng thôi, bởi gia cảnh của anh trai cũng không khá hơn là mấy, lại còn con thơ và mẹ già.
Trước tai họa trời giáng của em trai, anh Việt đã viết đơn khởi kiện để đòi lại quyền lợi cho em mình. Nhưng do kiện không đúng chỗ, nên 3 tháng trôi qua gia đình anh không nhận được hồi âm. Sau đó, nhờ sự tư vấn giúp của Văn phòng luật sư vì người nghèo ở TPHCM, gia đình anh Trí đã viết đơn khởi kiện Trạm y tế xã Phú Hữu A, Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 2 (trụ sở 26 Hàm Tuyên, Nha Trang).
Ngày 31/1/2008, TAND huyện Châu Thành đã thụ lý vụ kiện với nội dung yêu cầu Trạm y tế xã Phú Hữu A và Công ty vắc-xin sinh phẩm số 2 phải liên đới bồi thường số tiền 85 triệu đồng tiền thuốc, viện phí, tổn thất về tinh thần, mất thu nhập của người bệnh do tiêm vắc-xin Rabivaxll ngừa dại gây nên.
Ngày 12/2, tòa đã có thông báo lại với nguyên đơn và bị đơn đến ngày 27/2 tới đây có mặt tại TAND huyện Châu Thành để tham gia phiên hòa giải.
Trong những ngày khắc khoải chờ đợi, cả gia đình nạn nhân Trí phải sống lay lắt qua bữa. Cha nằm liệt giường, mẹ đi làm mướn, cả 4 miệng ăn trông chờ vào 10 ngàn đồng tiền công làm mướn của người mẹ; 2 đứa con thơ tha thẩn tự chơi, không được đến trường. “Cơm ăn còn chưa đủ, thuốc cho bố không có, tính chi đến chuyện trường lớp”, người mẹ già của anh thở dài.
Phạm Tâm