Hậu Giang:
Ghế “biết đi”, giường 9 chân của 3 anh em khuyết tật
(Dân trí) - Ba người con trai của ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) bị mù, điếc bẩm sinh nhưng 3 anh em lại làm ra những vật dụng bằng gỗ vô cùng độc đáo như chiếc ghế “biết đi”, chiếc giường 9 chân…
Vượt lên nghịch cảnh
Được một người quen giới thiệu, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Sáu để tìm hiểu tài năng của anh Nguyễn Văn Suôl (39 tuổi), anh Nguyễn Văn Nhu (35 tuổi) và anh Nguyễn Thanh Tiến (29 tuổi), những người con bị mù, điếc bẩm sinh của ông Sáu.
Gia đình có tới 3 đứa con tật nguyền nên cả nhà ông Sáu phải tần tảo, gắn bó với 3 công ruộng đắp đổi qua ngày. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cùng với sự thiệt thòi của số phận khiến các anh Suôl, Nhu, Tiến không có được tuổi thơ bình thường.
Thấy những người bạn đồng trang lứa hàng ngày đến trường, trong lòng các anh luôn khát khao được đi học. Anh Suôl cho biết: “Tôi rất muốn được đi học, được làm việc để giúp ích cho bản thân và gia đình”.
Đến nhà ông Sáu, chúng tôi thấy có rất nhiều đồ mộc độc đáo. Ít ai ngờ rằng, chúng được tạo nên bởi 3 người con mù, điếc bẩm sinh của ông. Ông Sáu cho biết: “Năm Suôl 25 tuổi, Suôl, Tiến, Nhu đã biết đóng các vật dụng trong gia đình hoặc có thể làm những vật dụng khác hữu dụng trong sinh hoạt hàng ngày như ghế nhắc nồi (một vật dụng để kê nồi, xoong, chảo)”.
Anh Suôl nhớ lại, sau một tuần tự mày mò và cảm nhận, anh đã làm hoàn thiện được chiếc ghế nhắc nồi. Bình quân mỗi ngày anh làm 2 – 3 cặp ghế nhắc nồi (loại lớn), nếu loại nhỏ khoảng 10 cặp, bán với mức giá 35.000 đ/chiếc, trừ chi phí lãi trên 60.000 đ/ngày. "Mình không thấy đường nên làm chậm hơn người bình thường, nhưng mỗi năm, tôi làm được trên 400 cái ghế nhắc nồi, 200 bội gà để bán cho bà con trong vùng. Lúc này, công việc của tôi chuẩn bị vào vụ, vì sản phẩm làm ra chủ yếu bán vào thời điểm Tết”, anh Suôl cho biết.
Tuy nhiên công việc này chỉ mang tính thời vụ nên cả 3 anh em cùng nhau lên Bình Thủy (Cần Thơ) học lớp se nhang của Hội Người khuyết tật. Nhưng sau khi thành thạo, 3 anh em chỉ làm việc được 7 tháng thì thất nghiệp tiếp. Không nản lòng, cả 3 anh em lại một lần nữa lên Bình Thủy học lớp bó chổi. Sau 2 tháng, các anh đã tự tạo ra được sản phẩm. Dù thu nhập không cao nhưng với số tiền ấy đủ giúp các anh trang trải cuộc sống.
Anh Nhu chia sẻ: “Khi học nghề cả 3 anh em được trung tâm nuôi cơm. Sau khi thạo nghề, chúng tôi làm mỗi tháng có thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Ngoài ra, tự thân mình có thể vận động để cha mẹ không buồn lòng”.
Những sản phẩm độc đáo
Dù khiếm khuyết đôi mắt, đôi tai nhưng anh Suôl, anh Tiến, anh Nhu, mỗi người có một tài năng riêng. Anh Tiến rất sáng tạo trong việc đóng đồ gỗ, anh Suôl thì vừa đóng được vật dụng trong gia đình vừa làm được ghế... Còn anh Nhu cũng tự thân làm được công việc se nhang, bó chổi thuê để kiếm sống qua ngày.
Sản phẩm độc đáo đầu tiên của 3 anh em là chiếc ghế gỗ “biết đi”. Theo quan sát của PV, chiếc ghế có 2 bánh xe để di chuyển, có mặt sau để dựa lưng và các phần được kết nối với nhau bằng bu lông, bản lề… Bề mặt được chà nhám, chạm khắc công phu. Đặc biệt là chiếc ghế di chuyển rất dễ dàng nhờ vào hệ thống trục xoay.
Anh Tiến chia sẻ: “Thấy ngồi ghế ở Trung tâm không được thoải mái và khó di chuyển nên trong đầu tôi đã tự nảy sinh ý tưởng và tiến hành làm chiếc ghế cho riêng mình. Mỗi ngày làm một ít, gần 2 tháng mới làm xong. Khi làm cái ghế này, khâu quan trọng và khó nhất là phải sử dụng những bìa cứng bằng giấy được cắt thành hình hoa văn, tiếp đó đặt những tờ giấy vào thân gỗ và tiến hành chạm khắc. Công đoạn khó nhất là cắt giấy và chạm khắc những hoa văn, còn việc bắt ốc và tạo cho chiếc ghế tự xoay là chuyện bình thường”.
Sản phẩm độc đáo thứ hai là chiếc ghế đa dụng của anh Suôl. Thoạt nhìn cứ ngỡ đó là cái bàn nhưng xem kỹ lại là chiếc ghế có chỗ dựa lưng được tạo nên từ 2 chiếc vành xe máy cũ và những đoạn gỗ thừa. Để làm được chiếc ghế đặc biệt thế này, anh Suôl đã làm cực công gần 2 tháng. Hình thức của chiếc ghế cũng giống như những chiếc ghế bình thường khác, tuy nhiên chiếc ghế được thiết kế có 2 mặt giống nhau, khi khép lại là chiếc bàn ăn tự xoay nhưng khi mở ra thì là chiếc ghế ngồi.
Dù không được sáng mắt nhưng anh Tiến vẫn cưa gỗ rất chuẩn. Cũng kê thước và dùng vật sắc nhọn để lấy mực, dùng tay áp sát lưỡi cưa để cảm nhận. Ngoài ra, các anh đục và bào gỗ rất chuyên nghiệp. Các anh chưa từng học qua lớp đào tạo nghề mộc nào, những đồ dùng được tạo ra phần lớn là do các anh tự suy nghĩ để làm, một số ít làm theo mẫu của người khác.
Ngoài những món đồ như chiếc ghế “biết đi”, chiếc ghế đa năng, chiếc tủ áo… thì chiếc giường 9 chân được xem là vật dụng “độc nhất vô nhị” của 3 anh em khuyết tật này. Theo ghi nhận của PV, vật liệu làm nên chiếc giường 9 chân này chủ yếu là tre. Chiếc giường có 2 đoạn ghép lại với nhau, có thể khép lại và bung ra khi sử dụng. Mỗi đầu giường được gắn thêm 2 cần gạt, được cấu tạo bằng gỗ nhỏ và tròn, kết nối với lò xo bằng dây kẽm và ruột xe đạp.
Anh Tiến cho biết: “Khi ngủ chỉ cần mở giường ra bằng cách kéo chiếc cần gỗ phía tay phải thì chiếc lưỡi gà hở ra, 2 đầu cây để dùng mắc màn bật lên, khi muốn khép lại chỉ cần kéo cần phía tay phải thì 2 cây mắc màn tự động bật xuống rồi xếp dọc theo chiếc giường”.
Đặc biệt, ba anh em khuyết tật không chỉ tạo ra những đồ dùng bằng gỗ độc đáo mà các anh còn nghĩ ra cách tận dụng những đồ vật cũ như yên xe đạp, vành xe,... để làm ra đồ dùng “có 1 không 2” phục vụ trong sinh hoạt. Do khiếm khuyết nên các vật dụng các anh tạo ra không khéo léo, sắc sảo như những thợ mộc sành sỏi nhưng qua các sản phẩm đầy sức sáng tạo, chúng tôi cảm nhận sức sống mãnh liệt và ý chí vươn lên của 3 anh em khuyết tật.
Nguyễn Hành - Nhân Nguyễn