1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Gạt” quy định thu hồi đất vì dự án kinh doanh

(Dân trí) - Gạt hẳn nội dung thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội - đây là phương án được “chốt” trong bản dự thảo Hiến pháp mới sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý từ hơn 26 triệu ý kiến góp ý sửa Hiến pháp trong suốt 3 tháng qua.

Quan điểm về vấn đề sở hữu đất đai (Điều 57), theo tổng hợp, hiện vẫn có 3 loại ý kiến. Thứ nhất, nhiều người tán thành với quy định của dự thảo Hiến pháp cho rằng quy định đất đai, các tài nguyên thiên nhiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý… thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp.

Nhóm ý kiến khác đề nghị đa dạng hóa sở hữu đất đai. Ý kiến này cho rằng không thể quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân bởi khó trả lời những câu hỏi đặt ra “toàn dân là ai, có xác định cụ thể được không?”. Lập luận theo hướng này, toàn dân không phải là chủ thể của quyền sở hữu, không thể thực hiện các quyền đầy đủ của một chủ sở hữu hiện hình (gồm chiếm hữu, sử dụng và định đoạt).

Nhiều người lại “hiến kế” tách quy định này thành 2 điều, một điều quy định về sở hữu toàn dân, một điều quy định về sở hữu nhà nước. Ý kiến này cho rằng, cần có sự phân biệt rạch ròi giữa đất đai là tài nguyên quốc gia – thuộc sở hữu toàn dân với những đất đai mà toàn dân đã giao cho Nhà nước – một chủ thể cụ thể quản lý, sở hữu.
 
Việc thu hồi đất thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập đối với các dự án kinh doanh, thương mại.
Việc thu hồi đất thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập đối với các dự án kinh doanh, thương mại.

Phân tích các khía cạnh, Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định, quy định đất đai, các tài nguyên thiên nhiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý… thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã được xác định từ năm 1980 đến nay. Để làm rõ hơn nội dung này, dự thảo Hiến pháp được công bố để lấy ý kiến vừa qua đã định danh các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân bằng khái niệm “tài sản công” và xác định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, nếu theo ý kiến chia 2 loại sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước sẽ khó xác định rõ trường hợp nào nhà nước toàn quyền quyết định với tư cách là chủ sở hữu, trường hợp nào nhà nước có vai trò là đại diện chủ sở hữu toàn dân.

Do vậy, UB Dự thảo đề nghị giữ nguyên quy định đưa ra trong dự thảo, không quy định đa sở hữu về đất đai.

Vấn đề thu hồi đất (Điều 58) thậm chí còn nhận nhiều hơn nữa những quan điểm tranh luận trái ngược nhau. Ngoài hướng tán thành quy định thể hiện trong bản dự thảo xây dựng 3 tháng trước về việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng an ninh; lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội, nhiều ý kiến đề nghị không quy định về thu hồi đất đối với trường hợp đã có quyền sử dụng đất mà chỉ thu hồi đối với các trường hợp lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, kế hoạch, quy hoạch. Tất cả các trường hợp khác đều sử dụng hình thức trưng mua.

Loại ý kiến thứ 3 đề nghị bỏ trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vầ bồi thường theo quy định của pháp luật vì lý do phục vụ “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Ý kiến này cho rằng có loại dự án đã được bao hàm trong trường hợp được thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, các trường hợp thu hồi, trưng mua “vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia khác hoặc lợi ích công cộng”.

Loại ý kiến thứ 4 lại cảnh báo, việc quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản dễ dẫn đến mâu thuẫn vì đã xác định là quyền tài sản tức là có quyền sở hữu và các quyền liên quan. Việc thu hồi đất, theo đó, không hợp lý vì quyền tài sản thì nhà nước phải trưng mua, trưng thu.

Tiếp thu ý kiến góp ý, nhóm biên tập dự thảo Hiến pháp đã chỉnh sửa lại điều khoản này, cơ bản như Hiến pháp hiện hành, không quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện “các dự án phát triển kinh tế xã hội”. Đồng thời, bản dự thảo Hiến pháp mới cũng được điều chỉnh điều 58 để giới hạn điều kiện thu hồi đất, chỉ trong trường hợp “thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, vì ccs lợi ích khác của quốc gia hoặc lợi ích công cộng. Việc thu hồi đất, bồi thường phải công khai, minh bạch, công bằng và do luật định”.

Cũng trong chương về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (chương III), nhiều góp ý về việc không liệt kê các thành phần kinh tế, không hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cũng được tiếp thu, giải trình cụ thể.

UB Dự thảo trình bày rõ, bên cạnh những ý kiến tán thành việc không quy định những nội dung này nhằm duy trì tính ổn định của Hiến pháp, quan điểm đối lập lại cho rằng cần tiếp tục liệt kê các thành phần kinh tế như trong Hiến pháp hiện hành và xác định vao trò nền tảng, chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước để phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng và thực trạng hiện này của nền kinh tế Việt Nam.

Theo loại ý kiền này, quy định nội dung cụ thể như vậy sẽ giúp xác định rõ vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, thể hiện bản chất của chế độ. Mặt khác, quy định hiện hành về vấn đề này đã được kiểm nghiệm trong thực hiện, không cần sửa đổi, bổ sung.

Tiếp tục có 2 phương án được thiết kế cho dự thảo mới, một là cơ bản giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành, một bảo lưu quan điểm sửa đổi như bản dự thảo cũ.
 

“Bác” đề xuất lập Tòa án Hiến pháp

Về nội dung hoàn toàn mới – Hội đồng Hiến pháp (chương X), Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp biện giải sự cần thiết có cơ quan này vì cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện chủ yếu dựa vào việc thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Trong khi đó, Quốc hội là thiết chế ở tầm vĩ mô, lại hoạt động không thường xuyên, phần lớn đại biểu là kiêm nhiệm nên việc phát hiện, xử lý hành vi vi hiến không kịp thời. Thẩm quyền bảo vệ Hiến pháp giao cho nhiều chủ thể khác nhau, theo nguyên tắc tự giám sát, kiểm tra, thiếu chế tài thực hiện. Hội đồng Hiến pháp khi thành lập sẽ thực hiện chức năng chuyên trách là bảo vệ Hiến pháp.

Mô hình Hội đồng Hiến pháp đã được cân nhắc đề phù hợp với nguyên tắc tập trung quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Theo đó, mô hình tòa án Hiến pháp bị “bác” vì mang tính tài phán rõ nét. Hội đồng Hiến pháp vừa mang tính xem xét, ra quyết định đối với một số văn bản trái Hiến pháp và hành vi vi hiến, vừa có tính chất tham vấn (đưa ra các ý kiến chuyên môn để Quốc hội quyết định với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất).

UB Dự thảo cũng thống nhất bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng Hiến pháp như quyền giải thích Hiến pháp và nhiều thực quyền hơn để thực hiện chức năng bảo hiến.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm