1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phú Yên:

Gặp “vua kỳ nam xứ nẫu” với nghiệp tìm trầm, đá cảnh

(Dân trí) - Cái danh “vua kỳ nam xứ nẫu” dành cho Võ Hiệp từ năm 2006, khi ông trúng lớn cả trăm tỉ đồng. Không chỉ mê trầm hương, ông còn mê đá cảnh và sở hữu những khối đá thuộc “hàng độc” có giá trị tiền tỷ.

Quán cà phê toàn “hàng độc”

Nằm các thành phố Tuy Hòa gần 10 cây số về phía Bắc (thuộc xã An Phú, TP Tuy Hòa), ngay sát quốc lộ 1A, quán cà phê “Đá và cây” khiến cho nhiều người tò mò mỗi khi đi ngang.

Đúng là ấn tượng thật. Ấn tượng ở ngay chính cái tên mộc mạc “Đá và cây” chứ không dùng những cái tên mỹ miều như bao quán cà phê bên cạnh. Quán có cách thiết  kế, bài trí đơn sơ vài bộ bàn ghế nhựa tầm thấp. Chỉ có đá và những gốc mai tứ quý già nua meo mốc là nổi bật.

Gặp “vua kỳ nam xứ nẫu” với nghiệp tìm trầm, đá cảnh
Những khối đá độc được trang trí nghệ thuật trong quán cà phê thu hút nhiều khách tò mò tới chiêm ngưỡng

Khách đến quán có thể ngồi nhâm nhi ly cà phê Tuy Hòa đậm đà, vừa thưởng thức vẻ đẹp yên tĩnh ngoại ô thành phố và thỏa sức tưởng tượng hình hài những khối đá kỳ dị được chủ nhân cố công sưu tầm từ lòng sông Ba. Có những khối đá mang hình hài giống như sư tử, voi, rùa... trị giá bạc triệu.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là khối đá Granit có hình tượng Phật Bà Quan Âm. Khối đá cao chừng một mét, khối lượng khoảng 500kg. Mặt trước có lớp trắng nhìn có thể hình dung giống hình hài tượng Phật Quan Thế Âm đứng tay cầm bình nước cam lồ và cành dương liễu.

Tác phẩm Cụ rùa trong bộ tứ linh (đá Granit) rất giá trị mà anh Hiệp sưu tầm được từ sông Ba
Tác phẩm Cụ rùa trong bộ tứ linh (đá Granit) rất giá trị mà anh Hiệp sưu tầm được từ sông Ba

Theo chủ nhân của khối đá đặc biệt này, khối đá được tìm thấy ở sông Ba. Cách đây gần một tháng, có một đoàn khách du lịch người Hàn Quốc đi ngang qua, chiêm bái, đặt vấn đề mua lại khối đá với giá cao. “Với những người theo nghiệp tìm trầm hương luôn tin có một đấng siêu nhiên và sống tâm linh. Vì thế tượng phật bằng đá này tôi không bán hay nhượng lại mà đề cầu an vui hạnh phúc cho mình và cho địa phương. Tiền cũng quý nhưng bán đi nghĩa là mình, quê mình không còn” - ông Hiệp chia sẻ.

Trong suốt 15 năm “đắm mình” trong thế giới đá cảnh tự nhiên “vua kỳ nam xứ nẫu” sở hữu bộ sưu tập đá cảnh lên đến con số ngàn, trong đó có bộ Tứ linh rất quý, có những tác phẩm ông xem như vật gia bảo, để đời.

Chuyện ly kỳ nghiệp tìm trầm, trúng trầm

Một điều ấn tượng nữa về “Vua kỳ nam xứ nẫu” - Võ Hiệp. Khách đến uống cà phê ở quán “Đá và cây” được bình luận về đá, rồi nghe ông kể những chuyện ly kỳ về nghiệp “ngậm ngải tìm trầm”, cái nghề mà có thể biến người ta thành “vua” nếu trúng lộc, cũng có thể thành “thân tàn ma dại”.

Võ Hiệp sinh năm 1960, từ gia đình nghèo khó có 4 anh chị em tại phường Phương Sơn (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Nhà nghèo, đông anh em nên ông nghỉ học sớm và đi làm công nhân đường sắt. Ông lấy vợ xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa, Phú Yên) ở gần cung đường sắt. Sau vì kinh tế khó khăn, ông quyết định theo bạn đi điệu (đi trầm).

Tác phẩm Cụ rùa trong bộ tứ linh (đá Granit) rất giá trị mà anh Hiệp sưu tầm được từ sông Ba
Phì phèo điếu thuốc Vua kì nam xứ nẫu - Võ Hiệp kể cho chúng tôi nghe về nghiệp tìm trầm và trúng trầm

Gần 30 năm (1979 - 2006) đi tìm trầm, lúc nào ông Hiệp cũng xem tâm linh là điều quan trọng: “Vận may đã đến với tôi ngay lần đầu, tôi tin tưởng điều đó, về sau tôi luôn tu thân để tâm mình được sáng”. Có lần hết lương thực giữa rừng ông phải đào củ rừng mà ăn. Kỷ niệm ông nhớ suốt đời là năm 1990 ông đến làng Mèo huyện An Khê - Gia Lai. Những người đi điệu nói sông Ma Choi cọp nhiều. Có đêm ông nằm kề cận với cọp dữ, sáng ra mới phát hiện dấu chân gần nơi ngủ, nghĩ lại mà giật mình. “Tôi tin bà cậu phù hộ tôi”.

“Tôi đi trầm năm 21 tuổi, từ miền Trung, Tây nguyên đến các tỉnh Đông Nam bộ, có khi qua tận Campuchia. Chuyến đi dài nhất thường là một tháng. Mỗi lần đi phải sắm đủ vật dụng, hết thì phải về đồng bằng sắm rồi đi tiếp. Tôi đi một mình nên anh em trong giới gọi tôi là Sáu cô đơn. Kỷ niệm rất nhiều, vui có buồn có, có cả hiểm nguy. Bây giờ thì giải nghệ rồi”, ông Hiệp kể.

Suốt đời đi trầm, anh được “bà cậu thương” 6 lần. 5 lần đầu chỉ gọi là may, số lượng trầm trúng không nhiều. Tiền bán trầm chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2006 là đậm nhất và cũng từ đó người ta xưng danh anh là “Vua kỳ nam xứ nẫu”. Thiên hạ đồn anh trúng cả vài vài chục ký lên đến hàng trăm tỉ. Bây giờ sau hơn mười năm hỏi lại chuyện cũ, “Vua kỳ nam xứ nẫu” cũng chỉ cười mà không xác nhận.

Sau lần trúng kỳ nam, cuộc sống gia đình ông đã thay đổi. Ông cho bà con tiền cất nhà, mua xe và ít vốn làm ăn, một phần làm từ thiện, số còn lại ông để dành làm ăn. 

Ông cũng chuyên tâm làm từ nhiện, ông đến phòng cấp cứu các bệnh viện, thấy ai hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo thì rút tiền ra làm phúc...

Nhạn Sơn - D.Công