1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp truyền nhân cuối cùng của “chiếc bàn xoay theo ý nghĩ”

Đó là cụ Đinh Thẩm (92 tuổi), người đóng “chiếc bàn xoay theo ý nghĩ” cuối cùng tại thôn Vân Hà, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam.

 

Một sáng mùa hạ, chúng tôi tìm về nơi khởi nguồn của những chiếc bàn tự xoay vô cùng đặc biệt, trong một ngôi làng nức tiếng về nghề mộc mấy trăm năm qua nhưng đang tàn lụi, để tìm gặp người cuối cùng biết đóng “bàn xoay theo ý nghĩ” như bao lời đồn đại.

 

Truyền nhân cuối cùng…

 

Làng mộc Vân Hà là làng mộc danh tiếng nhất, nhì miền Trung, đây là chiếc nôi của hàng chục chiếc bàn gỗ tự xoay đang lưu lạc khắp cả nước. Theo con đường trải nhựa dẫn lên UBND xã Tam Thành, chúng tôi hỏi thăm cụ Đinh Thẩm, người đã được báo chí nhắc đến nhiều cùng những chiếc bàn xoay mà cụ đóng.

 

Một chiếc bàn xoay theo ý nghĩ làm bằng gỗ mít
Một chiếc bàn "xoay theo ý nghĩ" làm bằng gỗ mít
 

Sau khi đi “vã mồ hôi” để tìm đúng đến địa chỉ mà người dân cho biết, chúng tôi mới gặp được anh Đinh Cử (58 tuổi), là con trai của cụ Thẩm. Anh dẫn chúng tôi vào một căn nhà nằm bên dòng suối chảy róc rách suốt đêm ngày êm ả.

 

Đó là nhà cụ Thẩm. Căn nhà được làm theo kiến trúc cổ năm gian, có sân gạch phía trước, đồ gỗ dùng để làm nhà rất nhiều. Quả đúng là nhà của một người thợ danh tiếng.

 

Mái tóc bạc, khuôn mặt với những nếp nhăn đón chúng tôi ngay từ ngõ vào. Đã ở cái tuổi tri thiên mệnh, nhưng cụ vẫn đẹp quắc thước, động tác vẫn rất nhanh nhẹn.

 

Anh bạn đi cùng tôi là chuyên viên sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng rất ngạc nhiên khi thấy cụ Thẩm còn minh mẫn đến vậy. Gặp chúng tôi, cụ Thẩm hồ hởi kể về cuộc đời đầy những khốn khó của mình, và cái nghiệp mà cụ theo đuổi suốt cuộc đời.

Bắt đầu học nghề từ năm 1937, và khoảng năm 1960 cụ Thẩm đã là một thợ mộc lành nghề, luôn được cùng cha và mấy chú đi đóng đồ cho người dân không chỉ trong vùng, mà còn ra tận Đà Nẵng, vào Quy Nhơn và nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh.

 

Cụ cũng giống như thanh niên trai tráng trong làng, cứ đến tháng giêng là khăn gói tản đi làm nhà ở khắp trong ngoài tỉnh, tháng chạp mới về với gia đình, vợ con. Khách đến làng, chỉ thấy toàn đàn bà con gái mà thôi...

 

Cụ Thẩm kể lại: “Hàng năm, vào độ cuối tháng giêng, đầu tháng hai cánh đàn ông rời làng đi khắp nơi trong tỉnh từ Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ, Núi Thành đến Tiên Phước, Trà My và các vùng phụ cận tỉnh Quảng Ngãi để làm nghề. Chỉ với cái thùng gỗ nhỏ đựng các dụng cụ như cưa, rìu, đục, khoan…. chúng tôi len lỏi khắp nơi để dựng nhà rường hoặc đóng đồ gia dụng theo yêu cầu gia chủ. Đến giữa tháng chạp những người thợ lại trở về quê. Cứ thế năm này qua năm khác thế hệ nối tiếp nhau…”.

 

Cụ Thẩm cũng cho biết nhiều nghệ nhân trong làng đã được Triều đình Nguyễn mời ra Huế để thi tài nghệ tại chốn kinh kỳ, nhiều sắc phong vẫn còn lưu lại đến ngày nay trong các nhà thờ tộc nơi này…

 

Cụ Thẩm tự hào cho biết: “Người thợ làng Vân Hà luôn tự hào với những tác phẩm điêu khắc độc đáo của bàn tay người thợ mộc. Những hoa văn, chi tiết trang trí trên các bộ vì kèo của những ngôi nhà cổ có thể do thợ Kim Bồng và Văn Hà cùng làm, nhưng thợ Văn Hà khi chạm thường nghiêng về đề tài núi non, trong khi thợ Kim Bồng thích đề tài về biển. Kim Bồng mạnh về nội thất, còn nhà đẹp thì chủ yếu do tay người thợ Văn Hà làm nên. Đấy là hai điều khác biệt của thợ hai làng nghề chúng tôi!”.

 

Mặc dù đã tuổi cao sức yếu, nhưng khi có ai mời đi sửa nhà, đi vẽ phong cảnh, chim thú... cho các nhà thờ tộc, cụ lại cặm cụi đi vài hôm. Khách của cụ có người ở tận TP HCM, phần đông nghe danh cụ mà tìm đến.

 

Cụ Thẩm cùng các thợ mộc trong làng xem đơn hàng gửi từ Áo về.

Cụ Thẩm cùng các thợ mộc trong làng xem đơn hàng gửi từ Áo về.
 

Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện, anh con trai cụ mang về một gói bưu phẩm, hóa ra trong đó là một đơn hàng gửi từ bên Áo về mong muốn đích thân cụ Thẩm chế tác.

 

"Lỡ mang tiếng là hậu nhân của Vân Hà, không làm không được, nhưng làm nhiều thì cũng mệt lắm. Kệ, cố được ngày nào thì cố!", cụ Thẩm cười hiền hòa.

 

Cứ thế, cả cuộc đời chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề, và với đôi bàn tay tài hoa của mình, cụ đã làm ra hàng trăm sản phẩm để tiếp nối mạch nguồn những làng nghề xứ Quảng.

 

Những chiếc bàn của điều kỳ bí

 

Nét hấp dẫn của làng mộc Văn Hà còn được biết đến qua chiếc bàn xoay. Theo lời của những nghệ nhân mộc lão làng thì chỉ có người thợ Văn Hà mới làm được những chiếc bàn tự xoay bí ẩn như thế, ngay cả những nguời thợ Kim Bồng nức tiếng từ trước tới nay cũng không thể làm đuợc.

 

Khi chúng tôi hỏi cụ rằng bấy lâu nay mọi người vẫn quả quyết rằng hàng chục chiếc bàn xoay đang lưu lạc khắp mọi miền hiện nay đều do một tay người thợ Văn Hà chế tác. Cụ Thẩm cười gật đầu đồng tình. Nhưng cụ Thẩm cũng cho biết: “Ban đầu, những người thợ Văn Hà không biết chiếc bàn sẽ tự xoay được. Nhưng từ một phát hiện tình cờ sau đó, người ta cảm thấy thú vị và tiếp tục đặt thợ Văn Hà đóng bàn. Thợ Văn Hà cứ việc đóng theo kết cấu cũ, đâu biết là bàn tự xoay được. Người dân gọi nó là chiếc bàn “ma thuật” hay “bàn độc”!”.

 

Ngôi nhà của cụ Thẩm

Ngôi nhà của cụ Thẩm
 

Sở dĩ gọi như thế vì nó có khả năng tự xoay bằng sự cảm ứng từ bàn tay người thường. Không cần động cơ, chỉ cần vài ba người đi chân trần, đứng xung quanh và úp hai bàn tay lên mặt bàn gỗ, trong chốc lát chiếc bàn có chuyển động nhẹ và xoay từ từ ngược chiều kim đồng hồ, dần dần bàn xoay nhanh dần. Đang xoay nhanh, nếu đồng thanh hô: “Một, hai, ba!” rồi cùng lật ngửa bàn tay trên mặt bàn thì lập tức mặt bàn xoay theo chiều ngược lại. Và khi hô “dừng” thì chiếc bàn dừng lại như theo mệnh lệnh.

 

Cụ Thẩm cũng giải thích rất mộc mạc với chúng tôi rằng có một thứ cấu khí nào đó giữa mặt bàn bằng gỗ mít và bàn tay con người sinh ra nhiệt, tới một mức độ nhất định sẽ tạo chuyển động quanh trục bàn(?). Cụ Thẩm cũng khẳng định hồi trẻ cụ đã từng đóng 5-7 cái bàn như thế. Nguyên liệu là gỗ mít già, hoặc gỗ mít cũ, càng cũ càng tốt.

 

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học hay một sự giải thích nào về hiện tượng bàn gỗ tự xoay kể trên, thậm chí cả những người đã từng tạo ra những chiếc bàn xoay đó cũng không thể hiểu tường tận tại sao bàn có thể quay được.

 

Mong mỏi một mai…

 

Vân Hà là làng nghề có lịch sử khoảng vài ba trăm năm. Đã có một thời, bước chân của người thợ mộc Văn Hà đặt lên khắp các làng quê xứ Quảng (trước đây xứ quảng bao gồm địa giới từ chân đèo Hải Vân đến chân đèo Cù Mông hiện nay do vua Lê Thánh Tông đặt - PV) để làm ra các sản phẩm gia dụng và các công trình kiến trúc.

 

Hàng chục ngôi nhà rường có tuổi thọ hàng trăm năm rải khắp các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Tam Kỳ… đều có bàn tay của người thợ Văn Hà, trong đó nhiều công trình đã trở thành di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh như đình Chiên Đàn (Phú Ninh), đình Phương Hòa (Tam Kỳ), nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh (Tiên Phước)…

 

Giai thoại về một cuộc đấu xảo làm trụ đèn tại kinh đô Huế thời vua Thành Thái giữa hai phường thợ Văn Hà và Kim Bồng vẫn còn lưu truyền. Thợ Văn Hà đã thắng với biển vàng vì không những chạm được hình rồng chung quanh thân đèn mà còn chạm lộng phần bên trong. Trong từ đường họ Đinh của làng Vân Hà bây giờ vẫn còn tấm giấy sắc phong 27 nghệ nhân của làng.

 

Nhưng cho đến thời điểm bây giờ thì chỉ còn làng mộc Kim Bồng (Hôi An) vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Còn Văn Hà đang dần tan lụi với thời gian, chỉ còn lại những tác phẩm chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ được người dân lưu giữ. Cả làng Văn Hà hiện nay có khoảng 200 hộ dân, đều là dòng dõi của những thợ mộc danh tiếng một thưở, nhưng chẳng ai còn tha thiết với nghề.

 

Cụ Thẩm trò chuyện với cán bộ sở VHTTDL tỉnh Quảng

Cụ Thẩm trò chuyện với cán bộ sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam
 

Bây giờ cụ Đinh Thẩm đã qua tuổi 92. Ở tuổi tri thiên mệnh ấy, cụ Thẩm không còn sự mạnh khoẻ vốn có nhưng đôi tay vẫn khéo léo như múa lượn trên những thớ gỗ. Nghe hỏi chuyện nghề, nhìn chiếc tủ thờ đang làm dở, cụ Thẩm buồn bã nói rằng làm chỉ vì tiếc nghề chứ chẳng ham hố gì, chẳng mấy thời gian nữa thôi cụ cũng phải bỏ nghề mà về với tổ tiên... Thế nhưng cụ lại hồ hởi khi nhắc đến thời trai trẻ, đến những năm tháng hoàng kim của Vân Hà.

 

Tiếc rằng tuyệt kỹ của nghề qua hàng trăm năm đang đứng trước nguy cơ mai một thất truyền. Thế hệ trả lớn lên bỗng xa lạ với nghề, những dụng cụ của làng mộc gắn với hàng bao thế hệ cha ông trở lên lạ lẫm cùng với những người trẻ, chỉ có tiếng đục khoan của cụ Thẩm vẫn vang lên khô khốc giữa vùng quê vắng lặng. Ngày nay hậu duệ của nghề mộc Văn Hà hầu như không còn mấy người theo, loanh quanh vài nhà nhưng cũng chỉ làm những đồ dụng thông thường. Sản phẩm độc đáo của làng nghề như chạm khắc kèo cột, khay trà, các bức tranh tứ bình… đã không còn được mấy nơi mời làm, còn bàn xoay một sản phẩm độc đáo của làng nghề cũng đã ít nhiều thất truyền.

 

Chúng tôi tìm hiểu khắp làng, may mắn thay vẫn còn một học trò hiếm hoi của cụ Thẩm là anh Phạm Miên (51 tuổi) là nguời đã nhận được một phần trong tinh hoa trong nghề của cụ Thẩm. Nhưng anh vẫn đau đáu: “Tôi là học trò của cụ, nhưng thú thật tôi không thể học được hết những nét tài hoa trong đôi bàn tay của cụ. Cố gắng lắm nhưng có lẽ sức tôi chỉ được như thế thôi. Tôi vẫn muốn giữ cho tinh hoa làng mình còn mãi và ngày càng phát triển lên, nhưng còn nhiều khó khăn quá!”.

 

Anh Miên được người dân làng mộc này đánh giá là học trò xuất sắc của cụ Thẩm. Nhưng để phục dựng cả một làng nghề, đâu chỉ ngày một ngày hai cùng hai con người bé nhỏ ấy.

 

Dù đã cao tuổi, cụ vẫn một lòng với nghề để gìn giữ cho mai sau

Dù đã cao tuổi, cụ vẫn một lòng với nghề để gìn giữ cho mai sau
 

Anh Nguyễn Quang Huế, chuyên viên sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam ngậm ngùi: “Đây là một làng nghề truyền thống độc đáo. Tiếc rằng với thời gian làng nghề này đã mai một đi nhiều. Nếu có thể, nên phục dựng lại từng bước một làng nghề này để con cháu mai sau còn biết làng nghề của cha ông. Nếu không khi cụ Thẩm không còn, tinh hoa của làng cũng sẽ thất truyền đi!”.

 

Được biết, trong hai năm 2008 - 2009 UBND huyện Phú Ninh quyết định khôi phục nghề mộc Văn Hà với việc giao cho HTX Tam Thành 2 đứng ra lập đề án bảo tồn, phát triển làng nghề. Phòng Nông nghiệp huyện đã hỗ trợ kinh phí mở lớp tập huấn đào tạo 30 học viên. Và cụ Đinh Thẩm cũng hăng hái tham gia vì mong muốn truyền những kinh nghiệm và bí quyết của nghề cho thế hệ trẻ. Lớp học đã kết thúc từ lâu nhưng số người theo nghề vẫn chẳng là bao. Thế nên nỗi buồn mai một cứ hằn in lên ánh mắt của hai người mỗi ngày…

Tạm biệt truyền nhân cuối cùng đóng bàn xoay của làng mộc nức tiếng một thời, cụ Thẩm ra ngõ tiễn chúng tôi, ánh mắt xa xăm nhìn theo chúng tôi khắc khoải. Có lẽ trong sâu thẳm lòng cụ, mong mỏi về một thời hoàng kim trở lại của làng mộc Vân Hà sẽ mãi đeo đẳng cụ. Một mai này, khi cụ về với vĩnh hằng, ai sẽ là người kế thừa những tinh hoa của một thời ấy nữa. Phía chân trời, rặng núi che mất ánh mặt trời, hiu hắt…/.

 

Theo Gia Ly

VOVonline