Gấp rút gia cố cao tốc, sân bay trước siêu bão Yagi
(Dân trí) - Một ngày trước khi siêu bão Yagi đổ bộ, các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông tại miền Bắc đang gấp rút gia cố công trình, di dời tài sản.
Theo cập nhật của phóng viên Dân trí, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang dẫn đầu đã đi dọc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa để đôn đốc chỉ đạo phòng chống bão.
Đoàn lập sở chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để trực chốt trong suốt thời gian bão đổ bộ.
Gia cố sân bay, cao tốc
Trên trục cao tốc từ Hà Nội đến Ninh Bình - Thanh Hóa, đơn vị quản lý vận hành cao tốc đã triển khai cắt tỉa cây cao để ngăn cây đổ xuống mặt đường. Tại các trạm thu phí, nhân viên trạm tăng cường chằng néo các trang thiết bị.
Một trong những điểm đáng lo ngại trên cao tốc từ Hà Nội về Ninh Bình là tình trạng ngập úng tại các hầm chui dân sinh. Đơn vị vận hành cao tốc cho biết đã chuẩn bị nhân lực và biển báo để chặn các hầm chui khi có ngập úng.
Trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đơn vị quản lý vận hành cũng đã lên phương án phòng chống bão và tiêu thoát nước. Siêu bão Yagi dự kiến quét dọc theo lý trình của tuyến cao tốc này.
Tại sân bay Vân Đồn, đơn vị quản lý sân bay cho biết máy bay của các hãng hàng không đã được di dời hết đến sân bay khác. Sân bay đã triển khai chằng néo các trang thiết bị trên sân đỗ, đồng thời nẹp gia cố các cánh cửa tại nhà ga.
Trên tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Tiên Yên - Móng Cái, công tác chuẩn bị phòng chống bão được đặc biệt chú trọng bởi các cao tốc này đi qua nhiều đồi núi, lại nằm đúng hướng bão đổ bộ.
Các vách taluy trên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được gấp rút gia cố để ngăn ngừa mưa bão gây sạt lở. Trên cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, công nhân nạo vét đường thoát nước và khơi thông cống rãnh.
Đối với vị trí đã sạt trượt từ bão số 2, đơn vị quản lý đã cho đặt các biển cảnh báo. Tại quốc lộ 18 đoạn qua phường Quang Hanh thường xảy ra ngập úng, do địa thế thấp trũng, doanh nghiệp BOT cử cán bộ trực khơi thông dòng chảy, hạn chế ngập úng và xử lý hậu quả thiên tai.
Tại Nam Định, Đoàn kiểm tra của Cục Đường bộ đã đến kiểm tra cầu phao Ninh Cường và các tuyến phà trên sông. Cầu phao Ninh Cường là cây cầu thường xuyên đứt gãy khi bão lớn, xô va với tàu thuyền.
Lập sở chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải, cho biết đoàn công tác của Bộ GTVT đã đi dọc các tỉnh duyên hải từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, phối hợp với địa phương và bộ đội biên phòng chuẩn bị đón bão theo phương châm 4 tại chỗ và trên tinh thần bảo vệ tính mạng con người là đầu tiên.
"Cơ bản các tàu hàng lớn đã di trú về phía Nam. Các tàu nhỏ, tàu khách được đưa vào nơi neo đậu an toàn hoặc kéo lên bờ. Tại các cảng biển đã dừng bốc hàng từ 21h hôm qua. Các bãi container được bốc dỡ, hạ thấp để tránh lật đổ do bão", lãnh đạo Cục Hàng hải chia sẻ.
Bên cạnh việc phòng chống bão trên hướng biển, đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã tỏa đi các tỉnh thành trung du, miền núi như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... để đôn đốc việc phòng chống sạt lở, lũ quét trên các tuyến giao thông.
Với lĩnh vực đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có công điện khẩn yêu cầu trung tâm điều hành vận tải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để điều tiết hành trình chạy tàu, rà soát các ga trên tuyến để bố trí dừng tàu tránh mưa bão; tuyệt đối không bố trí tàu chạy xuyên tâm bão; bố trí sẵn toa xe tại các khu vực có mỏ đá để kịp thời bốc xếp vật tư phục vụ công tác gia cố nền đường.
Bộ GTVT đã liên tiếp ban hành 2 công điện để yêu cầu các đơn vị chuẩn bị ứng phó với ảnh hưởng của bão. Tính đến nay, 4 sân bay đã có kế hoạch tạm đóng cửa. Các hãng hàng không và công ty đường sắt cũng đã hủy nhiều chuyến bay, chuyến tàu để tránh ảnh hưởng của bão.