1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp những người sống qua 3 thế kỷ ở “xứ thần tiên”

Xã Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hoà Bình) được gọi là “xứ thần tiên” bởi ở mảnh đất heo hút mây ngàn gió núi này, những cụ già hưởng “tuổi giời” sống vắt qua vài ba thế kỷ xưa, nay lúc nào cũng nhiều.


Gặp những người sống qua 3 thế kỷ ở “xứ thần tiên” - 1

Dù đã 108 tuổi, cụ Hà Thị Ìn vẫn mạnh khỏe

 

Hơn 100 tuổi vẫn tự chăm sóc mình

 

Người già ở Lũng Vân bảo, bởi sự hội tụ của mây trời, sương khói nên nơi đây mới có cái tên như vậy. Cao và sâu nên Lũng Vân bốn mùa lạnh giá. Chính vì cái lạnh thường trực ấy mà tài sản lớn nhất của người Mường ở đây là những chiếc chăn dày cộp. Ông Hà Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã bảo, thời gian gần đây thời tiết có ấm lên nên người dân cũng bớt khổ. Chứ ngày trước, cứ hễ mùa lạnh là mặt nước đóng băng, lúa cấy dưới ruộng héo tàn rũ rượi, học trò tới trường phải lấy gậy gỗ để dò, đi cho khỏi ngã.

 

Vợ chồng ông Hà Văn Xuân ở bản Bách tất bật theo các con, cháu đi nương. Năm nay, cả hai vợ chồng ông đã ở tuổi 70. Mẹ ông, cụ Hà Thị Ìn, năm nay đã sống qua 108 mùa nương rẫy. Nhà ông “tứ đại đồng đường”, ở chung trong căn nhà sàn chênh vênh ngay mép đại ngàn. 

 

Lúc chúng tôi tới thăm, cụ Ìn đang dùng bữa cùng vợ chồng người cháu. Cụ ngồi trên giường, nhai cơm bỏm bẻm. Cháu cụ, anh Hà Văn Thuỷ bảo, bà anh tuy có tuổi nhưng còn minh mẫn lắm. Không ra khỏi nhà nhưng việc làng, việc xóm cụ đều biết hết.

 

Cụ Ìn giờ chỉ ngồi một chỗ, đến bữa, các cháu mang cơm đến tận nơi. Tuy nhiên, những việc cá nhân, dù cháu con có xắn tay làm giúp nhưng cụ không nghe. Cụ bảo, sức cụ còn làm được thì chưa phải cậy nhờ. “Kính già già để tuổi cho”, anh Thuỷ vẫn thường răn bảo vợ con mình thế! Lẽ sống ấy, anh học từ chính bố mình.

 

Sau những trận mưa thối đất, hôm nay trời bắt đầu hửng, mế Nhậng lại về nhà thăm mẹ. Đường từ bản Chiềng sang bản Nghẹ, nơi mẹ mế ở không xa nhưng ở cái tuổi ngoài 80, có nhanh nhẹn mấy mế vẫn phải đi trước khi mặt trời khuất núi. Dù các con, các cháu mế vẫn bảo, tuổi ấy, so với người dưới núi, mế còn khoẻ gấp trăm, gấp nghìn nhưng mế bảo, ở Lũng Vân, tuổi mế, sức mế so với những người khác chẳng “ăn nhằm” gì. 

 

Không cần tìm xa, ngay như mẹ của mế, cụ Đinh Thị Hệu ấy, dù năm nay đã 112 tuổi nhưng mắt vẫn sáng, tai vẫn tỏ, trí tuệ vẫn minh mẫn. Hơn một năm trở lại đây, chân không còn khoẻ, cụ Hệu ít xuống khỏi 9 bậc cầu thang nhà sàn. Cụ chỉ quanh quẩn trong nhà và khi rảnh thì ngồi bên bếp lửa. Thấy nhà có khách, cụ ngóng ra, mắt cười lấp lánh. Dù đã được ông Phó chủ tịch UBND xã Hà Văn Khuê cùng mế Nhậng giới thiệu từ trước, nhưng khi gặp người phụ nữ sống qua 3 thế kỷ ấy, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Dù tóc đã bạc trắng như mây nhưng da dẻ cụ vẫn hồng hào và đặc biệt, sự nhanh nhẹn, mẫn tuệ vẫn hiển hiện trên nét mặt. 

 

Cụ Hệu sống cảnh lẻ bóng đã ngót 40 năm nay. So với người mình má ấp môi kề, trời cho cụ ông ít thọ hơn. Cụ ông khuất núi khi vừa qua... 76 mùa mận chín. Cụ Hệu có tới 8 người con. Từ khi cụ ông không còn nữa, cụ về ở hẳn với vợ chồng người con thứ 6. Năm nay, tuổi họ cũng ngấp nghé 70. Mế Đinh Thị Linh, người con dâu đã sống với cụ Hệu gần nửa thế kỷ nhớ lại, ngày trước theo chồng nhiều người cứ bảo mế là về nhà cụ Hệu sẽ khổ bởi cảnh nhà chồng đông người. Thế nhưng, sự lo lắng ấy của mọi người đã thừa. Về nhà chồng, việc gì nặng nhọc, mẹ chồng mế đều giành lấy phần mình. Lên nương xa, nương gần, xuống ruộng cạn, ruộng sâu, vào rừng kiếm củi hay lặn lội tìm lá thuốc, mẹ chồng mế cứ nằng nặc đòi làm. Mế bảo, dường như sức lực của mẹ chồng mình là vô tận. Chẳng thế mà khi mẹ chồng tuổi đã xấp xỉ bách niên, mế theo lên rừng hái thuốc, nhìn cụ thoăn thoắt vượt suối băng khe, mế theo mà thấy hơi thở tức căng lồng ngực, thấy cái chân chẳng còn nghe theo sự sai khiến của mình.

 

Đi tìm bí quyết “trường sinh”

 

Người con trai thứ 6 của mế Hệu vốn là một thầy lang có tiếng trong vùng. Ông học nghề ấy từ cha mình. Ông bảo, người Mường ở đất này sống thì là bạn với thiên nhiên nên nghề thuốc hầu như ai cũng biết bởi đã quen mặt, nhớ tên tất thảy những loài cây cỏ trong rừng. Theo như bố ông kể lại thì thuở trước, ở Lũng Vân, cứ bước ra khỏi nhà là gặp thảo dược quí hiếm, hái cả ngày không hết. Có lẽ, sống cạnh những cây thuốc quí đó mà những người sinh ra từ 2 thế kỷ trước như mẹ của ông đều sống lâu và khoẻ mạnh. Điều ấy thì đã được mẹ ông xác nhận. Cụ Hệu bảo, ngày ấy, người Mường ở thung mây này khổ. Đường xá đi lại khó khăn nên lúa ngô trồng được thì ăn, không trồng được thì cả mùa cứ “đánh bạn” với cháo bẹ, rau rừng. Mà rau rừng ở Lũng Vân này nhiều vô kể, mọc um tùm ở khắp nơi. Cứ khi đói, nhoáng nhoàng ra bờ suối là cả nhà đã có những “suất ăn thiên nhiên”, khiến cái bụng tạm quên đi cơn đói.

 

Bây giờ, cuộc sống khá lên, lúa ngô đã chất đầy nhà, bữa ăn đã có nhiều thịt, nhiều cá tôm. Thế nhưng với cụ Hệu, từ khi 100 tuổi, những đồ ăn ấy cụ không “khoái khẩu”. Cụ bảo, một phần vì ăn... không quen, phần vì răng đã rụng hết từ mấy chục năm trước, bùng nhùng không nhai được. Mỗi bữa, theo khẩu phần cụ tự định sẵn cho mình là một gạt cơm, một bát rau xanh và một chén rượu có ngâm thảo dược. Nghe mế Linh nói, rượu ấy, cụ uống để phòng bệnh phong thấp cho mình.

 

Ngồi nhẩm một lúc lâu nhưng mế Linh vẫn chẳng thể “liệt kê” số cháu, chắt, chút, chít của cụ Hệu, chỉ biết rằng chúng đông lắm. Mỗi khi nhà có việc, chúng kéo đến, 5 gian nhà sàn vốn rộng thênh thênh này cũng chẳng đủ chỗ cho chúng ngồi. Con lợn 2 người khênh khệ nệ, thịt ăn một bữa là sạch nhẵn. Cứ nhìn vào phong thái của mẹ chồng mình, mế bảo, chắc chắn cụ sẽ có tới 5, 6 đời cháu.
 
Ông Hà Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Lũng Vân cho biết, tuy cả xã chỉ có hơn 400 hộ gia đình nhưng các cụ tuổi bách niên thì ngồi chốc lát không thể nhớ hết họ tên. Bởi thế, năm nào cũng vậy, cứ khi Tết đến Xuân về, chính quyền xã lại đi chúc thọ những cụ già mà giời ban cho tuổi ấy. Ngoài phần lụa của Chủ tịch nước thì xã cũng có quà riêng. Vòng từ bản này sang làng khác, đi cả ngày vẫn không hết lượt.  

 

Theo Trịnh Hoài Thu
 Gia Đình & Xã Hội