Gặp những gia đình mất “đầu cơ nghiệp”
(Dân trí) - Mùa vụ mới đã cận kề, nông dân ở Đà Bắc (Hoà Bình) đang sống trong khắc khoải. Những con trâu mộng, thứ gia tài “đầu cơ nghiệp” chết rét đã làm cho cuộc sống vốn cơ cực của người dân càng thêm khốn cùng hơn.
Đợt rét đậm, rét hại kéo dài lịch sử đã lấy đi sinh mạng của hàng trăm nghìn con trâu, bò trên cả nước. Đợt rét bổ sung vừa qua càng làm cuộc sống của bà con nông dân tái tê thêm.
Mưa nặng hạt, đường vào bản Bương, Thùng Nùng, Náy của xã Tân Pheo (Đà Bắc, Hoà Bình)… như kéo dài vô tận.
Trâu, bò nối đuôi nhau chết vì rét, đến nhà nào ở Đà Bắc cũng thấy thịt gia súc treo đầy nhà. Nhà ông Đinh Văn Ý ở bản Náy, thịt trâu, bò treo kín gầm sàn rồi treo cả gác bếp. Chịu chung cảnh ngộ, nhà nào cũng có trâu chết, bán lấy ai mua? Tiếc công, tiếc của, các hộ dân đành xẻ thịt sấy khô ăn dần.
Cố vớt vát lại chút vốn liếng, ông Ý còn chia con trâu ra nhiều phần rồi nhờ các hộ dân may mắn không chết trâu trong bản, mỗi nhà ăn giúp một phần. Đến cuối vụ ai thương thì trả cho vài cân thóc.
Trâu, bò chết hàng loạt, đợt rét vừa rồi cũng làm cho dân bản tái tê thêm. Các bản vùng cao huyện Đà Bắc mỗi ngày đón nhiều bánh xe lạ. Dân buôn trâu ở Thổ Tang (Vĩnh Phúc) kéo lên như trẩy hội. Lê Thanh, tay buôn gia súc nói nhỏ, khi trâu bò ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái… gom hết thì họ tìm sang Hòa Bình mua trâu. “Trâu thoi thóp cũng mua, và cả trâu bò chết hai ba ngày chúng tôi cũng đưa lên xe chở về bãi tập kết xẻ thịt”, Thanh nói.
Hàng trăm con trâu của người dân bản Náy “bán mà như không bán”. Ông Bàn Thị Hậu nói trong nước mắt, cả con trâu nặng hàng tạ thịt mà chỉ được họ trả dăm trăm nghìn, nhưng nếu để đó thì thịt cũng thối, đành ai trả cho đồng nào là hay đồng nấy thôi.
Mùa vụ mới đã cận kề, nông dân ở Đà Bắc đang sống trong khắc khoải. Những con trâu mộng, thứ gia tài “đầu cơ nghiệp” chết rét đã làm cho cuộc sống vốn cơ cực của người dân càng thêm khốn cùng hơn.
Tìm về Hà Nội, chúng tôi không thể nào quên hàng nước mắt lăn dài của bà Khồ khi nhét cân thịt trâu khô vào túi áo khách xa. Bà nói đó là món quà của dân bản, chỉ thế thôi… Nghe sao ngậm ngùi!
Trần Hưng