Gặp người thuyền trưởng Tàu Không Số năm xưa
(Dân trí) - Những ngày Tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Tấn Ích, người đã được lịch sử vinh danh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước bằng những chuyến Tàu Không Số, viết nên một huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong căn nhà đầy ắp những kỷ niệm trên đường Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng, ông Vũ Tấn Ích (SN 1930, quê ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), người thuyền trưởng của 9 chuyến Tàu Không Số thâm trầm kể về quãng đời oanh liệt mà hào hùng của mình:
Cũng như bao người con miền Nam lúc bây giờ, ông hăng hái lên đường tham gia nhập ngũ rồi tập kết ra Bắc vào năm 1954. Năm 1956 ông được cử đi học hải quân ở Trung Quốc. Năm 1959 ông trở về nước và làm thuyền trưởng tàu số 5 của quân chủng hải quân bảo vệ vùng biển phía Bắc.
Ông Vũ Tấn Ích đang kể lại những ngày tháng ông tham gia làm thuyền trưởng Tàu Không Số.
Sống ở miền Bắc nhưng lòng ông luôn đau đáu hướng về miền Nam, mong có ngày được trở về giải phóng quê hương. Rồi ước mơ đó cũng trở thành hiện thực.
Năm 1964, ông được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng Tàu Không Số chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam bằng con đường biển. Chuyến đi ấy gồm 12 cán bộ chiến sĩ Đội 6 đều là con em Khu 5 và Nam Bộ lên tàu thực hiện sứ mệnh của mình, chuyển vũ khí vào tỉnh Bến Tre.
Để đảm bảo tuyệt mật, mọi hàng hóa, tư trang có nhãn mác, dấu hiệu của miền Bắc đều phải để lại. Tàu được ngụy trang như một tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân, trên tàu có treo lưới và cá khô. Khẩu trung liên gắn ở đuôi tàu được che chắn dưới vỏ bọc ống khói tàu buôn.
Phương tiện hàng hải được trang bị khá thô sơ, ngoài la bàn và máy đo tốc độ bằng chân vịt chỉ có một ống nhòm, máy vô tuyến điện sóng ngắn 108 liên lạc với trung tâm bằng tín hiệu moóc và 1 đèn pin để bắt tín hiệu với đất liền.
Việc chở hàng đi rất bí mật, chỉ có thuyền trưởng mới được biết chở hàng vào đâu. Nếu bị địch phát hiện thì cho nổ tàu để giữ bí mật vì đây sẽ là con đường lâu dài.
Chuyến tàu này là chuyến tàu đầu tiên ông Ích chở vũ khí vào miền Nam. Trong suốt quá trình từ Bắc vào Nam, tàu gặp không ít khó khăn. Khi sóng to gió lớn, khi gặp máy bay địch, đường đi còn lạ lẫm…
Khi tàu cập vào tỉnh Bến Tre thì trời vào đêm nhưng không thể chuyển vũ khí lên vì trên bờ đèn pháo sáng của địch liên tục phát sáng, tìm cách bắt tín hiệu với người của mình nhưng không được. Ông Ích quyết định cho tàu ra biển đông, đêm sau sẽ vào lại.
Sau khi tính toán thời gian và vận tốc con tàu, 12 giờ đêm sau, ông Ích quyết định cho tàu vào bờ nhưng đêm nay cũng rất căng, tàu của địch tuần tiễu quanh đó rất nhiều.
Không quên lời dặn dò của cấp trên: “Phải bám bờ để chiến thắng vì dân là của ta, đất nước của ta”, ông Ích quyết định quay tàu xuống Cà Mau. Đi mãi nhưng vẫn không bắt được tín hiệu với người của ta. Đến 4 giờ sáng, anh em trên tàu phát hiện có tàu của ngư dân, biết đây là vùng giải phóng nên ông quyết định cho tàu cập bờ.
Ông Ích và một đồng chí khác lội vào bờ để bắt liên lạc thì may mắn gặp được đồng chí Bông Văn Dĩa. Lực lượng của bến nhanh chóng bốc vũ khí xuống trong vòng 2 ngày 1 đêm. Sau khi bốc vũ khí xong, tàu nhanh chóng quay trở lại miền Bắc. Chuyến đi thành công tốt đẹp.
Ông Vũ Tấn Ích và đồng đội của mình chụp ảnh với Bác Hồ vào cuối năm 1960
Tham gia trong đoàn Tàu Không Số, ông Ích đi được 9 chuyến, trong đó có 7 chuyến thành công, còn 2 chuyến không thành (một chuyến bị mắc cạn ở Trường Sa nên phải hủy tàu, một chuyến khi đến địa phận Quảng Ngãi bị máy bay địch phát hiện và bao vây, hai đồng chí trên tàu hy sinh, ông Ích và các đồng chí khác bơi được vào bờ và trở lại miền Bắc bằng đường bộ).
“Khi nhận nhiệm vụ này, chúng tôi luôn xác định là sẵn sàng hy sinh cho miền Nam”, ông Ích cho biết.
“Có chuyến anh em trên tàu phải ăn lương khô nhiều ngày liền vì bị bể ống dầu, không có dầu để nấu. Rất may dầu không chảy xuống biển mà chảy xuống khoang dưới của tàu, anh em phát hiện ra và múc dầu đổ vào lại tiếp tục cuộc hành trình”, ông Ích nhớ lại.
Năm 1970, ông Ích chuyển về đặc công nước rồi về lại tiểu đoàn tàu mặt nước của Quân chủng Hải quân. Năm 1975 ông về quân khu 5, tham gia giải phóng TP Đà Nẵng. Với những đóng góp của mình, trung tá Vũ Tấn Ích vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (năm 2000).
Tàu không số gồm một đoàn tàu của Đoàn 759 thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập tháng 7/1959, vận tải trên biển bí mật từ Bắc vào Nam để cung cấp vũ khí, quân dụng và vận chuyển cán bộ bí mật vào chiến trường. Thủy thủ đoàn của các con Tàu Không Số được tuyển chọn rất kỹ lưỡng về kinh nghiệm hàng hải, thể chất và chính trị. Cuối năm 1964, Bộ Quốc phòng đã quyết định chuyển Đoàn 759 trực thuộc Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân. Theo đó Đoàn 759 đã đổi phiên hiệu thành Đoàn 125 Hải quân. Vận tải biển tuy có gian nan, nguy hiểm hơn đường bộ nhưng có ưu thế về tốc độ, thời gian, chỉ cần hơn một tuần là hàng tới nơi. So với con số vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ thì vận tải trên biển ít hơn nhiều mà lại có ý nghĩa rất lớn, kịp thời chi viện vũ khí đạn dược, nhu yếu phẩm... cho những vùng ven biển miền trung, Tây Nam Bộ mà ở đó vận tải trên bộ chưa thể vươn tới được. |
Khánh Hồng