1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gặp người thuỷ thủ trở về từ cõi chết

(Dân trí) - “Tàu lật nhanh quá, hệ thống phao lớn tuột dây trôi hết xuống biển, tôi chỉ kịp ôm được chiếc bình ga, níu thêm anh bạn; hai người ôm chặt nhau cùng bơi trong dòng nước lạnh buốt, tưởng như đã cầm chắc cái chết...” - Thuỷ thủ Phạm Văn Minh kể lại chuyến đi định mệnh của mình giữa biển khơi xa xứ.

Anh Minh (30 tuổi, quê ở xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh - Hà Tĩnh) là một trong số 11 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá Hàn Quốc Insung-207, bị nạn khi đang hoạt động ngoài khơi Argentina hồi giữa tháng 12/2006.

 

Ngày đầu năm 2007, tất cả các thuyền viên đã may mắn trở về an toàn. Chúng tôi đến gặp anh Minh để được nghe anh kể lại về khoảnh khắc đối mặt với tử thần, tưởng chết đi rồi lại gặp cơ hội sống, của mình.

 

“Hôm ấy, 14h ngày 19/12/2006, tàu Insung-207 của chúng tôi có 34 thuỷ thủ gồm các quốc tịch Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam đang kéo lưới ở giữa vùng biển giáp ranh Argentina và Uruguay, cách cảng Montevidio (Uruguay) khoảng 864 hải lý.

 

Vụ đắm tàu đánh cá của Hàn Quốc tại vùng biển giáp ranh giữa hải phận Argentina và Uruguay xảy ra hôm 19/12/2006. Trên tàu lúc đó có 11 thuỷ thủ Việt Nam, trong đó 1 thuỷ thủ quê Quảng Bình, 10 người quê Hà Tĩnh. Tất cả đều may mắn thoát nạn.

 

Hiện cả 11 thuỷ thủ đã về quê hương trong điều kiện sức khoẻ bình thường và đang chờ cơ hội tiếp tục trở lại xứ Hàn làm việc. 

Mặt biển đang phẳng lặng bất ngờ xuất hiện gió mạnh cấp 6, cấp 7. Sóng vồ mạn tàu khiến nó nhào lộn, chòng chành như thú giữ. Tàu chúng tôi không đủ nhiên liệu làm lực đối trọng, lại xảy ra sự cố vô-lăng, bánh lái không ăn khớp với chân vịt qua hệ thống các bánh răng khiến người lái không thể điều khiển được tàu theo ý muốn.  

 

Chủ tàu đã kịp kéo kèn báo động và điện thoại liên hệ được với một số tàu đánh cá trong khu vực đến cứu hộ nhưng tôi hiểu, giữa biển khơi mênh mông, chỉ có may mắn mới cứu được mình. Biết không thể giữ tàu trước những cơn sóng dữ, chủ tàu ra lệnh cắt lưới, huỷ toàn bộ lượng mực trong khoang để giữ thăng bằng cho tàu trong khi chờ ứng cứu.

 

Nhưng mọi việc không như chúng tôi định liệu. Anh em càng cố, tàu càng chòng chành, nghiêng ngả. Sóng biển giật căng làm đứt dây giằng. Tàu trôi tự do giữa biển rồi nghiêng hẳn sang phía mạn phải. Nước biển từ các cửa sổ ùa vào xối xả, cuốn phăng mọi thứ xuống biển, không trừ chúng tôi. Rồi tàu chìm dần.

 

Như một người cố vùng vẫy thoát chết, tôi đã kịp ôm chiếc bình ga trước khi tàu chìm. Cạnh tôi, anh Nguyễn Văn Lý, quê ở xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang vật vã vì lạnh cóng. Tôi nghĩ, đã đi biển, nếu có chết thì chết với nhau nên tôi đẩy chiếc bình ga đến chỗ Lý. Hai anh em ôm chặt vào bình rồi cùng bơi trong nỗi bất lực của con người trước biển khơi.

 

Nước quá lạnh, toàn thân tê cóng, lúc này chúng tôi mới cảm thấy sự sống quá mong manh. Tôi còn nghe giọng anh Lý yếu ớt: “Có lẽ hai anh em mình sẽ không thể trở về gia đình được nữa rồi”. Khi con tàu chìm nghỉm xuống biển khơi cũng là lúc chúng tôi buông xuôi chờ chết.

 

Đúng lúc đó, chúng tôi được 5 thuỷ thủ Hàn kéo lên một chiếc phao cứu sinh tập thể mà họ tóm được trước đó. Lúc này, giữa chúng tôi không còn khoảng cách ngôn ngữ, dân tộc, chỉ nghĩ làm sao để cùng nhau vượt qua “cuộc chiến” không cân sức với biển cả.

 

Trôi được một đoạn, phao của chúng tôi bị sóng đánh mạnh, ai nấy tưởng đã cầm chắc cái chết. Đúng khoảnh khắc đó, kỳ diệu thay, tiếng gọi “Minh ơi” từ con tàu số 08 đang tiến lại gần. Tôi cố nhìn và thấy Tuấn, Phong, Bảo - ba anh người cùng xã làm việc trên tàu 08. Thế là 7 người chúng tôi được cứu sống.

 

Tôi đã được cứu sống trong gang tấc. Niềm vui khôn xiết khi biết rằng cả 11 thuỷ thủ người Việt đều thoát nạn trong chuyến tàu định mệnh ấy. Chỉ buồn là tai nạn đó đã cướp đi sinh mạng của 6 thuỷ thủ (2 trưởng, phó tàu; 2 trưởng, phó tổ máy; lái tàu và 1 thuỷ thủ người Trung Quốc). Hai người Hàn mất tích cho tới nay vẫn chưa có thông tin.

 

Dù chỉ đi làm thuê cho tàu nước bạn, dù ngôn ngữ là rào cản, nhưng nhớ lại cuộc sống đầm ấm trên tàu trước đây, giờ mất họ tôi thấy lòng mình cũng đau đớn như mất một người thân.

 

Sau khi thoát nạn, chúng tôi được đưa sang tàu chở dầu Finlama và cập cảng Montevidio. Chúng tôi được chăm sóc sức khoẻ, được nghỉ ngơi trong khách sạn sang trọng và được Đại sứ Việt Nam Đào Văn Dũng từ Argentina bay sang động viên thăm hỏi, thu xếp thủ tục giấy tờ, vé máy bay từ Montevidio về TPHCM ngày 30/12/2006, ứng trước cho mỗi thuỷ thủ hơn 1.000 USD”.

 

Sau ngày trở về từ cõi chết, cuộc sống của anh Minh dù vất vả nhưng đầy ắp tiếng cười. Anh nói, có đi biển mới hiểu biển, mới biết sự bao la và vô tận của nó. Tai nạn là chuyện nhỏ trước sự ban ơn của nó dành cho con người. Vì thế, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đăng ký trở lại xứ Hàn để được ra khơi.   

 

Văn Dũng - Ngọc Vượng

(Ghi theo lời kể của thủy thủ Phạm Văn Minh)