1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gặp người “thách đấu” 5 triệu USD với Cục Hàng không

“5 triệu USD chỉ là một con số rất nhỏ trong hiệu quả kinh tế của “Đường bay vàng” sẽ mang lại. Tôi trông đợi hội thảo khoa học nghiêm túc để nhìn nhận, đánh giá lại sáng kiến này”- ông Trần Đình Bá nói về cuộc thách cược mà ông “không quá coi trọng chuyện được, thua”.

"Đường bay vàng" là ý tưởng của cựu phi công Mai Trọng Tuấn. Đây là đường bay thẳng từ Hà Nội - TPHCM theo trục thẳng của kinh độ 106, xuyên qua 3 nước Đông Dương, rút ngắn được 200km so với đường bay cũ.

 

Tháng 7 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã có cuộc gặp với tác giả ý tưởng cùng một số chuyên gia nhưng lại cho rằng hiệu quả của việc thay đổi đường bay này không lớn.

 

 

Gặp người “thách đấu” 5 triệu USD với Cục Hàng không - 1

Ông Trần Đình Bá tại cuộc gặp với tác giả "Đường bay vàng" do Cục HKVN tổ chức. (Ảnh: Kim Phương - TTXVN)

Ông Trần Đình Bá, Phó Tổng giám đốc Công ty Glitterings Satar J.S.C, một nhà khoa học về lĩnh vực kinh tế giao thông vận tải và cũng là người được trao giải thưởng Quốc gia về hiến kế giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) mới đây đã thách đấu 5 triệu USD với Cục HKVN về bài toán kinh tế của "đường bay vàng" lớn hơn tính toán của Cục HKVN.

 

Tất nhiên pháp luật không cho phép thách đố kiểu này, nhưng nhận thấy tầm quan trọng của những sáng kiến trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Bá xoay quanh chủ đề đang được dư luận quan tâm này.

 

Tại sao ông nêu ra ý tưởng thách đấu 5 triệu USD với Cục HKVN? Đây có phải là một cách gây sự chú ý của công luận?

 

Không phải như vậy, đây là một cuộc thách đấu để làm trong sáng khoa học, nhanh chóng mang về lợi ích cho nhiều người. Mỗi khi thực tiễn bị bó buộc thì các nhà khoa học buộc phải thách đấu để giải tỏa sự bế tắc cho việc tìm ra bằng được chân lý. Cục HKVN cho là không khả thi để bỏ qua đường bay này, ông Mai Trọng Tuấn nói là rất khả thi nhưng họ không tin. Tôi tính ra rất kinh tế, rất khả thi. Vậy ai đúng? Phải có trọng tài chứ!

 

"Năm triệu USD" chỉ là một con số rất nhỏ trong hiệu quả kinh tế của "đường bay vàng" sẽ mang lại. "Đấu trường triệu đô" là "thuốc thử" và cũng là "liệu pháp mạnh" để có thể đổi mới một tư duy. Bế tắc của "đường bay vàng" hiện nay cần có sự can thiệp kịp thời của các nhà khoa học và các tổ chức khoa học để tránh lãng phí thời gian tiền của của Nhà nước và nhân dân. Bộ Giao thông Vận tải thì kêu gọi hiến kế cho bài toán giao thông. Tôi làm khoa học, tự thấy phải có trách nhiệm trong vấn đề này, không được phép võ đoán liều lĩnh khi báo cáo với Thủ tướng và các cơ quan Nhà nước.

 

Ông đánh giá như thế nào về "đường bay vàng" của cựu phi công Mai Trọng Tuấn? Nhận xét của ông về cơ sở khoa học của ý tưởng này? Những lợi ích nếu "đường bay vàng" được áp dụng?

 

Tôi đã nghiên cứu và ủng hộ sáng kiến "đường bay vàng" của ông Mai Trọng Tuấn, trong cuộc gặp mặt ngày 9/7/2009 giữa Cục HKVN và ông Tuấn, tôi được mời tham dự với tư cách là một nhà khoa học, một người có sáng kiến hiến kế cho bài toán giao thông. Mặc dù có ít thời gian nhưng tôi cũng đã có phát biểu lên tiếng ủng hộ ngay trong diễn đàn này và sau đó bên hành lang hội trường được truyền hình và báo chí đăng tải.

 

Trong bối cảnh quá tải và TNGT, nhanh chóng triển khai "đường bay vàng" có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó sẽ góp phần cải thiện tấm bản đồ giao thông toàn cục, rút ngắn khoảng cách giữa hai thành phố lớn đông dân nhất nước. Nó thực sự là "cầu hàng không huyết mạch", là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Nó thực sự đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng giữa bối cảnh khủng hoảng tài chính và năng lượng, nó góp phần giảm khí thải...

 

Đường bay này sẽ trở thành "cỗ xe động lực kinh tế", "đường bay hoà bình", "đường bay Xamakhi" đoàn kết hữu nghị, "đường bay nhân đạo", "đường bay xanh" để  giảm thiểu TNGT và bảo vệ môi trường. Rút ngắn đường bay và thời gian bay sẽ tăng được sức cơ động cho quốc phòng và an ninh nữa chứ!

 

Ông nói rằng,"bằng kiến thức của mình, tôi đã tính ra tính chính xác hiệu quả kinh tế của "đường bay vàng" khác hẳn với cách tính và kết quả tính của Cục HKVN đã báo cáo với Thủ tướng", xin ông cho biết cơ sở cụ thể của việc tính toán này và những lợi ích kinh tế. Nếu so sánh với cách tính của Cục HKVN, lợi ích kinh tế theo cách tính của ông sẽ lớn hơn bao nhiêu?

 

Cục HKVN cho là lợi ích thấp, ít khả thi, không khả thi v.v... Còn với tôi, đó là một đường bay tuyệt vời, rất kinh tế. Tôi tính được lợi ích mang về trên 45 triệu USD mỗi năm sau khi đã trả phí quá cảnh cho Lào và Campuchia 13,5 triệu USD, tiết kiệm được mỗi năm trên 30 ngàn tấn nhiên liệu để bảo vệ môi trường, rút thời gian bay trên 20 phút mỗi chuyến.

 

Nhóm chuyên gia cao cấp của Cục HKVN đã tính sai ngay từ đầu quỹ đạo đường bay nên đã ngộ nhận trong bài toán kinh tế và nói là lỗ nhưng thực ra là có lãi mà là lãi to.

 

Cách tính của tôi khác hẳn với Cục HKVN, đó là một bài toán cao cấp mang tư duy bác học về kinh tế kết hợp kỹ thuật nghiêm túc, sáng tạo đảm bảo chính xác. Tôi có trách nhiệm và hứa sẽ công bố tại một hội nghị khoa học để các tiến sỹ ngành Hàng không phản biện và Hội đồng khoa học thẩm định.

 

"Đường bay vàng" của cựu phi công Mai Trọng Tuấn phải bay qua lãnh thổ các nước láng giềng nên đã gây ra những khó khăn như phải "mua bầu trời" của bạn. Đây cũng là lý do ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế khi "uốn" đường bay mới? Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

 

Bay qua bầu trời của các nước là chuyện bình thường hiện nay, ta tôn trọng luật quốc tế và trả tiền cho bạn sòng phẳng. Đường bay này thẳng, ngắn nhất, kinh tế nhất và không hề có uốn lượn. Chính đường bay cũ mới phải uốn lượn qua những 7 điểm và 6 đường bay uốn lượn liên tục gây khó khăn cho phi công và ảnh hưởng sức khỏe hành khách. Đường bay này già cỗi rồi, lạc hậu quá phải đổi mới.
 

Sau khi đưa ra ý kiến thách đấu 5 triệu USD, ông đã nhận được phản hồi gì của Cục HKVN? Theo dõi trên báo chí, tôi được biết, ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục HKVN cho biết chưa nhận được lời thách đấu trực tiếp từ ông. Hơn nữa, Cục HKVN là cơ quan Nhà nước nên không có trách nhiệm giải quyết việc cá cược mang tính cá nhân như vấn đề ông nêu ra. Ý kiến của ông về vấn đề này?

 

Tôi đã gửi văn bản có nội dung thách đấu đến Cục HKVN bằng thư bảo đảm qua bưu điện. Tôi đang chờ phản hồi từ Cục HKVN. Theo tôi đấu trường khoa học là lành mạnh để tìm ra chân lý, các cơ quan Nhà nước lại cần trân trọng chân lý khoa học và công sức của các nhà khoa học, tham dự thách đấu và tranh luận khoa học vì lợi ích cộng đồng, của ngành Hàng không, trong đó có lợi ích của nhiều hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam và lợi ích của hàng chục triệu khách hàng.

 

Để nhanh chóng có "đường bay vàng" cần có một hội nghị khoa học nghiêm túc. Tôi không muốn việc thách đấu của mình bị so sánh như với chuyện đã xảy ra với tòa nhà Kengnam (Hà Nội). Tôi muốn chứng minh ý tưởng của ông Mai Trọng Tuấn là có tính khả thi cao, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội lớn.

 

Trong chuyện này, tôi không quá coi trọng chuyện được, thua. Tôi trông đợi hội thảo khoa học nghiêm túc để nhìn nhận, đánh giá lại sáng kiến này. Tôi sẽ rất buồn nếu không nhận được phản hồi của Cục HKVN.

 

Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Theo Cao Hồng
Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm