1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gặp người đốt than phục vụ thương binh thời chống Pháp

(Dân trí) - Năm nay ông Lê Minh Tường bước sang tuổi 77, với gần 50 năm tuổi Đảng. Cuộc đời ông đã từng nếm trải nhiều cơ cực đắng cay. Ông còn sống và được như ngày hôm nay là nhờ cuộc Cách mạng tháng 8/1945. Nhớ lại quá khứ, ông bật khóc nức nở...

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hoàng Hóa (Thanh Hóa) nhưng đến cuối đời, ông Tường lại là Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã Biển Hồ, thành phố Pleiku (Gia Lai).

 

Ngày ấy, ông Lê Minh Tường có tới 6 anh chị em, nhưng sau nạn đói năm 1945, chỉ còn lại ông và một cô em gái. Hai anh em bơ vơ vất vưởng, đi ăn xin, ở đợ, làm thuê,...

 

Cách mạng tháng 8 thành công, tháng 4/1946, ông gửi cô em gái cho hàng xóm để gia nhập đội tự vệ thành của thị xã Thanh Hóa; và cuộc đời ông thay đổi từ đây. Tháng 2/1950, ông gia nhập quân đội và được biên chế về Đội điều trị 4 - Sư đoàn 304 (một trong hai Sư đoàn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ).

 

Ông Tường nghẹn ngào kể về gi đình mình: “Gia đình tôi thuộc diện bần cố nông lớp dưới; nhờ ơn Đảng, Bác Hồ mới có được ngày hôm nay! Tôi là người chiến sĩ y tá chuyên làm công tác cứu thương. Những chiến dịch mà tôi đã từng tham gia như Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Điện Biên Phủ, Nam Lào… thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1951 - 1954.

 

Các chiến dịch mà quân ta mở thường là vào dịp thu đông, thời tiết rét buốt. Sống cảnh bần hàn từ bé, tôi dẻo dai hơn người khác. Ngày ngày tôi đi chặt cây, kiếm củi đốt lò và ủ than, sưởi ấm cho thương binh và buồng mổ ở chiến trường..”.

 

Để đốt củi lấy than trong mùa thu đông khí hậu ẩm ướt mà không bị địch phát hiện, đầu tiên ông Tường phải chọn loại cây gỗ chắc, to vừa phải. Ông đào lỗ theo phương pháp bếp Hoàng Cầm, hệ thống lò có ống khói dài và các nhánh tỏa ra, khi đốt khói thoát ra và trải đều trên mặt đất hòa lẫn với sương mù, địch không thể phát hiện. Khi củi đốt đã bén cháy đến mức độ nhất định thì lấy đất đắp kín để lửa cháy om trong lò, than sẽ không bị cháy rạc thành tro; đến khi than đã đủ chín thì dỡ lò, làm nguội, sau đó chuyển than về đơn vị phục vụ cho thương binh. Nói thì đơn giản nhưng ở đơn vị hồi đó chỉ có ông Tường làm được, nhờ kinh nghiệm từ cả thời ấu thơi đi làm mướn.

 

Nhờ những gánh than của ông, trong các chiến dịch, Đội điều trị 4 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1982, ông được Nhà nước cho về nghỉ hưu; năm 1989, ông vào Tây Nguyên định cư cùng các con. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu song ông vẫn được bà con tin tưởng “gắn” cho nhiều chức vụ như Trưởng ban Mặt trận, Trưởng ban hòa giải, Chi hội trưởng người cao tuổi và Trưởng ban Thanh tra xã Biển Hồ.

 

Kể từ năm 2000, ông tham gia công tác ở địa phương và năm nào ông cũng được các cấp khen thưởng.

 

Công việc đốt than tưởng như bình thường, nhỏ bé của ông Tường lại có ý nghĩa rất lớn với các chiến sĩ bị thương, phải cứu chữa ngay tại mặt trận. Những chậu than hồng của ông làm ấm lòng chiến sĩ trong mùa đông giá rét.

 

Sỹ Nhân