1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp người dân tộc Barnah được Bác Hồ đổi tên

(Dân trí) - “Tên Chút là không được. Người chú cao to, thông minh thế này sao lại tên là Chút? Từ nay Bác đặt tên chú là Đinh Văn Thắng, có nghĩa là thắng lợi hoàn toàn” - Trung tá cách mạng về hưu người Bahnar, ông Đinh Văn Thắng, tự hào nhớ lại.

Hẳn rằng với bất kỳ người dân Việt Nam yêu nước nào, được gặp Bác Hồ là cả một vinh dự lớn lao, là kỷ niệm sâu sắc cả cuộc đời. Riêng với ông Đinh Văn Thắng, cuộc gặp ấy còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi trong lần gặp đó, ông đã được Bác Hồ đặt tên. Giờ đây, khi đã sắp chạm gót bên kia cuộc đời, sức khỏe yếu, trí nhớ lúc có lúc không, nhưng ông vẫn luôn tin rằng những ngày ông được gặp Bác, được Bác đổi tên, được Bác gắp thức ăn cho... là những ngày may mắn nhất đời mình.

Thời tiết Tây Nguyên đã bắt đầu vào mùa mưa, những cơn mưa đầu mùa đột ngột khiến người ta thêm uể oải, đặc biệt đối với người già. Thật vậy, đã mấy ngày nay toàn thân ông Thắng mệt mỏi, ông cũng chẳng buồn ăn cơm, cả ngày chỉ nằm bất động dưới sàn nhà. Vậy nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện về Bác Hồ thì mọi mệt mỏi trong ông dường như biến mất, ông như được tiếp thêm sinh lực...

Ông nói ông là người dân tộc Bahnar sinh ra tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũ. Cũng như bao nhiêu người Bahnar khác, ông không có họ, cũng chẳng biết mình sinh ngày, tháng, năm nào và chỉ được cha mẹ đặt cho cái tên có độc nhất một chữ: Chút.

Thuở thiếu niên, ông Chút may mắn được bộ đội Việt Nam tuyên truyền, giảng giải, động viên giác ngộ cách mạng. Đến năm 1948, ông được thoát li ra Bắc học chính trị. Và trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1959, ông và đồng đội liên tục được gặp Bác Hồ tại cơ quan Z10 Trung ương (ông không nhớ chính xác địa điểm).
 
Một hôm, Bác bỗng nhiên hỏi: “Các chú ở đây có ai là người dân tộc thiểu số không?”. Mọi ánh nhìn đều đổ về ông Chút. Một cảm giác ngại ngùng xen lẫn hạnh phúc lan tỏa trong người ông. Kể từ đó, ông là người may mắn thường xuyên được nói chuyện trực tiếp với Bác mỗi lần Bác tới thăm.

 
Gặp người dân tộc Barnah được Bác Hồ đổi tên
Ông Đinh Văn Thắng bồi hồi nhớ lại những ngày được gặp Bác Hồ

Ông Kể, mỗi lần tới thăm Bác đều hỏi han, quan tâm ông rất nhiều như: Bố mẹ chú ở quê có khỏe không? Nhà chú trồng có nhiều lúa không? Chú đã bắt được con nai chưa? Con cọp trên đó nhiều không?...

Không chỉ quan tâm, hỏi han về gia đình và cuộc sống trước đây của ông Thắng và bà con xóm làng, Bác cũng luôn giành những câu hỏi hài hước cho ông thắng:

- Chú có vợ chưa?

- Dạ thưa bác cháu chưa lấy vợ ạ?

- Chú có con chưa?

- Dạ cháu chưa có vợ thì làm sao mà có con được ạ?

- Có người chưa có vợ cũng có con đấy thôi. Chú lớn tuổi rồi nếu có con, con chú cũng lớn lắm rồi.

Rồi Bác hỏi ngày sinh của ông Chút. Ông trả lời không biết, bởi cha mẹ không nhớ. Từ đó, Bác lấy ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam là năm sinh tháng đẻ cho ông.

Không chỉ vậy, những lần được ăn cơm chung với Bác, ông và những đồng đội của mình đều được Bác quan tâm, gắp từng chút thức ăn và Bác nói: “Các chú còn trẻ phải ăn nhiều cho khỏe”, khiến ai cũng cảm động.

Tất cả những ký ức về Bác, ông không quên một chi tiết nhỏ nào. Có lần Bác nói với ông: “Tên Chút là không được, người chú cao to, thông minh thế này sao lại tên Chút? Từ nay Bác đặt chú tên là Đinh Văn Thắng - có nghĩa là thắng lợi hoàn toàn”. Kể từ đó, cái tên Thắng gắn với ông suốt cuộc đời. Và đến bây giờ về làng Đê Tar, xã Kon Chiêng, Mang Yang, Gia Lai hỏi đến ông Thắng được Bác đặt tên, ai cũng biết.

Chuẩn bị tham gia chiến đấu ở chiến trường ác liệt, điều khiến ông Thắng băn khoăn và thắc mắc nhất là cơ sở của ông và đồng đội là gì? Bác liền nói: Cơ sở chính là dân, phải gần dân, lấy dân là gốc, định hướng tư tưởng cho dân… Rồi Bác động viên: Khi nào đất nước thống nhất, Bác sẽ đến thăm bà con dân tộc Tây Nguyên, Bác sẽ vào tận nhà chú.

Trước sự quan tâm tận tình của vị cha già dân tộc, ông Thắng không còn bất cứ một e ngại gì trước Bác. Ông liền buột miệng “sao Bác không lấy vợ?”. Trước câu hỏi thật thà của chàng trai Bahnar, cả đại đội bỗng trầm xuống, e ngại. Đại đội trưởng hất ánh nhìn về ông như muốn nói: “Sao cậu lại hỏi ngớ ngẩn thế hả?”. Đến lúc này, toàn thân ông run lên bần bật, khuôn mặt tím tái vì sợ hãi.

Bác điềm đạm cười: Cảm ơn chú đã quan tâm đến đời tư của Bác. Nếu Bác muốn lấy vợ thì nước nào Bác cũng có, ở Pháp người ta cũng yêu, ở Nga người ta cũng yêu… nhưng với Bác Việt Nam là cao cả nhất, nước Việt Nam còn nhiều đau khổ nên Bác chỉ nghĩ đến Việt Nam.

Bây giờ đồng bào Miền Bắc còn khó khăn thiếu thốn đang ra sức lao động sản xuất để ủng hộ Miền Nam. Đồng bào miền Nam thì còn đau khổ dưới ách xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai bán nước. Khi nào đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, khi đó Bác sẽ lấy vợ, sẽ có nhiều con cháu. Lấy vợ đơn giản thôi, mình già sẽ lấy vợ già, trẻ sẽ lấy vợ trẻ.

Nghe xong, cả đơn vị cùng cười vui vẻ, còn ông Thắng như nhẹ cả người: Không ngờ Bác lại bao dung và giản dị đến thế! Tất cả tình cảm Bác đều dành cho dân tộc Việt Nam.

Phút chia tay Bác để vào Nam chiến đấu, ông Thắng được Bác dặn kỹ: Thống nhất đất nước, chú cố gắng sắp xếp đi thăm Hà Nội, nếu Bác còn sống thì nói chuyện vui vẻ, nếu Bác mất thì đi để thăm Thủ đô.

Ấy vậy mà khi đất nước chưa kịp thống nhất Bác đã chìm sâu trong giấc ngủ ngàn thu. Còn ông, sau khi giải phóng, ông về lại nơi mình sinh ra để tiếp tục làm cán bộ xã giúp bà con chống Fulro và làm ăn. Đến nay, mong ước được một lần được ra thăm Hà Nội như lời hẹn với Bác, ông vẫn chưa thực hiện được!

Thiên Thư