1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gia Lai:

Gặp người anh hùng trong bài hát “Ơi con suối La La”

(Dân trí) - Tháng 2/1967, cùng với 9 đồng đội của mình, tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ đã khiến đội quân 200 lính Mỹ với vũ khí hiện đại bị thương vong và phải rút lui. Chiến thắng 1 đấu 20 này đã được nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài “Ơi con suối La La”.

Hẳn rằng ít ai trong chúng ta cũng đã từng nghe bài hát nổi tiếng đầy hào hùng “Ơi con suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục. Nhưng không phải ai cũng biết nội dung bài hát là một câu chuyện đầy hào hùng có thật trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Nhân vật chính trong bài hát là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ, SN 1942, trú tại thị trấn Kon Dỡng, Mang Yang, Gia Lai.

Anh hùng Bùi Ngọc Đủ vốn sinh ra tại xã Quảng Lộc (Quảng Xương, Thanh Hóa). Ông nhập ngũ năm 1961 tại Sư Đoàn 324 (tại Quỳnh Lưu, Nghệ An). Suốt thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước của mình, ông đã tham gia trên 300 trận đánh ở các chiến trường ác liệt từ Quảng Trị lên Tây Nguyên, rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Nhưng chiến công vang dội nhất vinh danh tên ông là trận đánh ngày 28/2/1967, tại đồi Không tên dưới chân núi Cù Đinh, Cam Lộ, Quảng Trị có con suối hiền hòa mang tên La La. Ngày này, tiểu đội 10 chiến sĩ do Trung sĩ Bùi Ngọc Đủ làm tiểu đội trưởng lấy tên “Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” nhận nhiệm vụ bảo vệ kho chứa 3.000 viên đạn H12 và H6, chuẩn bị đánh vào căn cứ của Mỹ trên điểm cao 241, Quán Ngang và bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở thị xã Đông Hà.

Đến khoảng 7h sáng cùng ngày, 200 lính Mỹ với vũ khí hiện đại bất ngờ đổ bộ lên khu vực đồi Không tên. Bị rơi vào thế bị động, với sự chênh lệch lực lượng khá lớn, nhưng điều đó không làm các chiến sĩ cách mạng Việt Nam hoảng loạn, tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ nhanh trí triển khai chiến thuật đánh trả lại quân địch, triển khai đội hình phù hợp, các chiến sĩ tận dụng những ụ đất, đá để ẩn nấp, chờ khi địch đến gần mới nổ súng…  Khi những loạt đạn của đối phương bay như mưa xối xả về phía Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ, các chiến sĩ cách mạng vẫn bình tĩnh ẩn nấp và chờ thời cơ.

Từng tốp lính Mỹ tiến lại gần khu vực của ta đều bị tiêu diệt, mỗi đợt tấn công của lính Mỹ đều bị Tiểu đội bẻ gãy, họ bị tiêu hao lực lượng nên không rõ được quân ta quân số bao nhiêu, trận địa thế nào khiến quân thù hoảng loạn, điên cuồng cầu cứu viện binh bằng những loạt bom từ máy bay và pháo binh. Từ 7h sáng đến 12h trưa, quân địch đã mở 10 đợt tấn công, 6 chiếc máy bay quần thảo trên bầu trời dội bom như mưa, nhưng do khoảng cách chiến đấu của cuộc chiến khá gần nhau nên quân địch đều bị thất bại.

Gặp người anh hùng trong bài hát “Ơi con suối La La”
Anh hùng trong bài hát "Ơi con suối La La" đang bồi hồi nhớ lại những trận đánh mà biết bao đồng đội mình đã ngã xuống

Còn quân ta, ở đợt tấn công thứ 2, chiến sĩ Nguyễn Nhân Nhê hy sinh và chiến sĩ Lê Bá Chính bị thương ở đợt tấn công thứ 4. Từ 12h đến 17h, quân địch mở thêm 5 đợt tấn công. Dù lực lượng của tiểu đội ngày càng tiêu hao, các chiến sĩ không một phút được nghỉ ngơi, đói và khát nhưng lòng yêu nước, ý chí chiến đấu càng bùng cháy mạnh mẽ khiến quân thù phải khiếp sợ. Đến khoảng 17h, trong đợt tấn công thứ 15, tên chỉ huy của địch bị tiêu diệt nên chúng đã rút lui khi lực lượng chỉ còn vài chục người.

Kết thúc các đợt tấn công, Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ chỉ còn 3 chiến sĩ, trong đó có 2 chiến sĩ bị thương: “Cả ngày nhịn ăn, nhịn uống chiến đấu, nhưng khi thấy đồng đội mình ngã xuống thì lòng căm thù giặc cướp nước trong mình càng sôi sùng sục. Lúc đó mình không còn biết sợ, ý chí chiến đấu càng cao, mình càng quyết tâm tiêu diệt giặc cướp nước dù có hy sinh cho tổ quốc thì đó là niềm vinh dự của mỗi người lính chúng tôi”, anh hùng Bùi Ngọc Đủ nhớ lại tâm trạng lúc chiến đấu.

Và anh hùng trong thời bình khi giúp dân đuổi giặc đói
Và anh hùng trong thời bình khi giúp dân đuổi giặc đói

Khi trời sẩm tối, cũng là lúc đại đội đưa lực lượng vào chi viện, đưa thương binh đi cứu chữa và thu nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã góp phần quan trọng để Trung đoàn 84 lập nên nhiều chiến công khác. Kỳ tích “1 thắng 20” của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ ngay sau đó được nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát “Ơi con suối La La” nhằm ca ngợi chiến công của Tiểu đội, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận.

Sau chiến công trên, Bùi Ngọc Đủ được ra thăm miền Bắc gặp Bác Hồ cùng các lãnh tụ Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp…

Năm 1970, Anh Hùng Bùi Ngọc Đủ vào chiến trường Tây Nguyên. Ngày 24/2/1972, ông chỉ huy tiểu đoàn pháo binh 2 đánh vào Đăk Tô- Tân Cảnh. Ngày 20/4/1975, ông cùng sư đoàn của mình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh vào Bình Phước, Củ Chi và giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Đủ lúc này mang quân hàm thiếu tá và được cấp trên điều về làm Phó ban Tổ chức huyện Mang Yang, Gia Lai, sau đó ông giữ nhiều chức vụ khác nhau và chỉ huy 17 trận đánh với Fulrô. Năm 1995, ông nghỉ hưu và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Mang Yang.

Lúc này, ông thấy bà con dân tộc thiểu số hay bị đói giáp hạt, ông và một số cán bộ khác vận động các hội viên mở “kho thóc cựu chiến binh”. Mỗi cựu chiến binh thu hoạch mùa góp 20kg lúa vào kho thóc, cả huyện có 37 kho thóc, có lúc lên đến gần 1.000 tấn. Kho thóc đã hỗ trợ rất nhiều cho bà con mỗi khi đói giáp hạt… Không chỉ vậy, ông còn vận động quỹ khuyến học để giúp đỡ, khuyến khích những học sinh học giỏi, con em đồng bào dân tộc thiểu số đạt thành tích tốt hoặc những giáo viên khó khăn.

Là anh hùng trong thời chiến, và đến bây giờ, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng Bùi Ngọc Đủ vẫn trở thành anh hùng trong lao động sản xuất.

Thiên Thư