Gặp người 30 năm dạy khỉ làm được như... người

(Dân trí) - “Đối với bộ môn xiếc khỉ có quá nhiều vất vả, mình phải như là người cha, người mẹ nuôi dạy 1 đàn con để chăm sóc, nuôi dưỡng và tập luyện cho chúng những động tác giống với con người. Khi khỉ đã thuần thục với những động tác mình dạy mới cho đi diễn được…”

Nhân dịp Tết Bính Thân 2016 (năm con khỉ), PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Nguyễn Chí Quang, người đã có 30 năm gắn bó với bộ môn xiếc khỉ tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Gặp người dạy khỉ thành “diễn viên xiếc” suốt 30 năm

Gặp người 30 năm dạy khỉ làm được như... người - 1

Nghệ sĩ Nguyễn Chí Quang (bìa trái) đang cùng 1 người phụ tập cho khỉ bài gánh nước đi thăng bằng trên xà ngang
Nghệ sĩ Nguyễn Chí Quang (bìa trái) đang cùng 1 người phụ tập cho khỉ bài "gánh nước đi thăng bằng trên xà ngang"

Phóng viên: Anh có thể cho biết, cơ duyên nào đưa anh đến với bộ môn xiếc khỉ?

Nghệ sĩ Nguyễn Chí Quang: Tôi vào trường học năm 1978, sau 2 năm học cơ bản, đến năm 1980 tôi được đào tạo bộ môn xiếc ngựa và voi. Thời điểm đó tôi đã được cưỡi lên mình con ngựa Mông Cổ và vừa học vừa biểu diễn. Sau đó tôi cũng được học và biểu diễn xiếc voi, trong quá trình này bố vợ tôi lại dạy cho tôi môn xiếc khỉ, thế là từ đó tôi đến với xiếc khỉ. Có thể nói tôi đến với xiếc khỉ như kiểu là “cha truyền, con nối” (cười), từ đó gắn bó với bộ môn xiếc khỉ cho đến nay đã được 30 năm.

Một con khỉ để trở thành “diễn viên” biểu diễn trên sân khấu cho khán giả xem thì phải trải qua các bước lựa chọn và đào tạo như nào thưa anh?

Ban đầu là khâu “tuyển sinh” lựa chọn khỉ, mình phải lựa chọn những con khỉ có ngoại hình phải đẹp toàn diện, nhanh nhẹn và thông minh.

Khi mà đã lựa chọn được khỉ rồi mới bắt đầu đưa vào tập luyện theo đề án với các bài tập như: trồng cây chuối, đạp xe đạp, thăng bằng trên con lăn,…Lúc này tập cùng 1 lúc 4-5 con để biết từng khả năng của con khỉ, kiểu như là “tìm kiếm tài năng” (cười). Phân loại thế mạnh của từng con rồi mới cho chúng tập nhiều hơn với những bộ môn đó.

Để 1 con khỉ thành thạo với động tác nào đó mà có thể biểu diễn được thì phụ thuộc vào những yếu tố như: độ thông minh của khỉ, động tác khó hay dễ. Đối với động tác dễ mà khỉ thông minh thì chỉ cần 1-2 ngày hoặc cùng lắm đến 1 tuần là xong. Còn với động tác khó và khỉ không thông minh thì sẽ lâu hơn rất nhiều.

Với khỉ mới thường phải tập buổi sáng và chiều, 2-3 tiếng/buổi. Nhưng không tập quá nhiều, tập 1 lúc xong nghỉ chuyển sang con khác, sau đó lại quay lại. Trong quá trình nghỉ thì nó cũng tự nhớ bài tập trong đầu, khi quay lại tập nó sẽ vào ngay, ép liên tục nó ì ra sẽ không vào.

Như anh nói, tất cả các con khỉ đã “trúng tuyển” vào Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều phải tập luyện theo các đề án là những bộ môn có sẵn, vậy ai là người viết ra những giáo trình tập này?. Bài tập nào cho khỉ mà anh cảm thấy khó khăn, phức tạp nhất?. Đã có “học viên” nào bị loại trong quá trình học không, thưa anh?

Thông thường người nghệ sĩ trực tiếp dạy khỉ là người nghĩ ra các giáo án, bài tập. Ở đây hoàn toàn là do tôi nghĩ ra, đi đường thấy các động tác của con người vui vui mà có thể dạy được cho khỉ là tôi lại áp dụng ngay. Hoặc đối với những động tác xiếc người mà tôi cảm thấy khỉ có thể học được thì tôi cũng cho triển khai.

Bài tập như “trồng cây chuối”, “khỉ đi xe đạp” là phức tạp, khỉ phải học rất lâu. Đối với bài tập “trồng cây chuối” ban đầu phải bắt ép khỉ đứng bằng 2 tay, khi đã đứng bằng 2 tay và thăng bằng được rồi mới cho khỉ trồng cây chuối. Bài tập này khỉ phải chịu đựng sức nặng của cơ thể trên đôi tay mà chúng chưa phải làm thế bao giờ.

Còn đối với bài tập “khỉ đi xe đạp” thì phải qua 3 giai đoạn: cho khỉ ngồi lên xe đạp; đặt bàn chân khỉ vào bàn đạp và mình quay cho đến khi chúng tự bám lấy rồi tự đạp đi; dắt cho khỉ tập lái.

Ngoài ra, quá trình lựa chọn được khỉ rồi, nhưng khi vào tập có những con tập và rèn luyện mãi không được thì buộc lòng cũng phải loại.

Gặp người 30 năm dạy khỉ làm được như... người - 3

Nghệ sĩ Chí Quang đang tập cho khỉ bài đi xe đạp
Nghệ sĩ Chí Quang đang tập cho khỉ bài đi xe đạp

Cảm giác như công việc dạy khỉ của anh khá giống với công việc của những giáo viên mầm non, anh nghĩ sao về điều này?. Trong quá trình tập luyện cho khỉ anh có gặp những tai nạn nào không?

Với bộ môn xiếc khỉ này thì người diễn viên có quá nhiều vất vả, phải lăn lộn với chúng như là người cha, người mẹ chăm sóc 1 đàn con. Quan tâm chúng từ chuyện ốm đau, cho ăn uống, tập luyện,…Cô nuôi dạy trẻ cũng vất vả nhưng còn đỡ hơn nhiều vì đứa trẻ dù sao nó muốn cái gì nó còn nói được, với khỉ thì chỉ có 1 cách là hiểu chúng qua các cử chỉ, trạng thái để mà xử lý.

Trong quá trình tập luyện mình bị khỉ cào, cắn là chuyện bình thường. Thời gian đầu mình không hiểu chúng lắm, nhưng gắn bó lâu năm nên khá hiểu tính khí của khỉ, khi nào chúng mệt mỏi là mình cho nghỉ ngay, nếu cố ép tập khỉ sẽ cưỡng lại và tấn công người dạy.

Bài khỉ thăng bằng trên con lăn và bắt những đồ vật người dạy tung lên
Bài khỉ thăng bằng trên con lăn và bắt những đồ vật người dạy tung lên

Bài khỉ nhảy cóc qua đầu bạn diễn
Bài khỉ nhảy cóc qua đầu "bạn diễn"

Như anh chia sẻ thì bộ môn xiếc khỉ có quá nhiều vất vả, vậy tại sao anh lại gắn bó với nó tới 30 năm?.

Đúng là có quá nhiều vất vả, nhưng tôi đã lựa chọn và yêu cái nghề này nên mới gắn bó lâu đến như vậy. Với bộ môn xiếc khỉ nếu ai không yêu nghề và kiên trì thì sẽ không trụ được lâu. Người nào mà tính khí nóng nảy thì khó mà gắn bó với xiếc khỉ được.

Niềm vui lớn nhất trong nghề là được những tràng vỗ tay của khán giả, khán giả coi mình là nghệ sĩ thế thôi.

Ngoài ra, hàng ngày gắn bó với đàn khỉ cũng vui, con khỉ đặc trưng là rất thông minh, láu lỉnh, nghịch ngợm. Khỉ trong quá trình học hay xao nhãng, không tập trung, học trước quên sau. Nhưng khi bài tập nào khỉ đã nhớ thì lại nhớ rất lâu, khó quên, 1 thời gian dài tập lại vẫn làm được.

Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, năm con khỉ, chúc quí bạn đọc Dân trí 1 năm nhiều sức khỏe, may mắn, bình an và thông minh như con khỉ (cười).

Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Dương (thực hiện)