1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp người 10 năm bảo vệ Bác Hồ

(Dân trí) - Cho đến bây giờ, nhớ lại 10 năm vinh dự được cận kề bên Bác, ông Lê Minh Thưởng vẫn không khỏi bồi hồi xúc động: “Bảo vệ Bác Hồ là bảo vệ cả Tổ quốc, bảo vệ cả giang sơn đất nước thời bấy giờ. Vinh dự ấy tôi không thể nào quên…”.

Gặp người 10 năm bảo vệ Bác Hồ - 1
Hăng say kể về những giây phút quý giá bên Bác Hồ, ông Thưởng "sung" đến nỗi cởi phăng cả áo khoác.
 
Ông Lê Minh Thưởng, xóm 2, Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An, năm nay đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng trong ông vẫn sáng những kỷ niệm không thể phôi phai về khoảng thời gian 10 năm làm lính bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt hơn, ông còn sở hữu tấm ảnh cực kỳ quý giá lưu giữ hình ảnh ông được chụp với Bác Hồ và gần đủ các Ủy viên Bộ Chính trị trước khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở thành người thiên cổ một ngày.

Những ngày cuối năm Canh Dần, chúng tôi tìm về thăm ông Thưởng, mong được nghe ông kể những câu chuyện xưa. Có lẽ nhờ mấy chục năm công tác trong ngành công an, được rèn luyện nhiều, nên dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông còn khỏe lắm; tác phong nhanh nhẹn, trí óc minh mẫn, giọng nói to khỏe, nước da đỏ rắn giữa cái giá rét hơn 10 độ C.

Chỉ vào một bức ảnh đen trắng được lồng trong khung kính treo trang trọng trên tường nhà, ông rành rọt đọc tên từng người trong ảnh: các ông Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Phạm Hùng, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng,… Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Vũ Kỳ. Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở giữa; ông Thưởng bế trong lòng một cháu bé, ngồi bên phải Bác Hồ.

Ông Thưởng cho biết sở dĩ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có trong ảnh vì khi đó đang bận đi công tác. Bức ảnh được chụp năm 1967, nhân dịp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo tình hình với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Với ông Thưởng, bức ảnh này là báu vật vô giá của cả đời ông.
 
Gặp người 10 năm bảo vệ Bác Hồ - 2
Cũng có lúc ông trầm ngâm như tiếc nhớ một thời được sát cánh bên Người.
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là đảng viên, anh trai là liệt sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp, năm 1958, ông Thưởng xin đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng không trúng. Ngay sau đó, ông được gia nhập lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Chẳng bao lâu sau ông được triệu tập về học ở Trường C500.
 
Tháng 4/1960 ra trường, ông nhận được quyết định về công tác ở Cục cảnh vệ (Cục cảnh vệ lúc đó có mật danh là K10) với nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và công tác ở đó cho đến ngày Bác qua đời.
 
Những ngày đầu ông chỉ được bảo vệ vòng ngoài nơi Bác Hồ làm việc; chỉ được gặp Bác những khi Bác tập thể dục hay đi bách bộ. Không lâu sau ông Thưởng được giao trực tiếp bảo vệ Bác không chỉ ở Phủ Chủ tịch mà cả những lúc Bác đi công tác. Sau khi Bác mất, ông Thưởng được điều về công tác ở Cục Cảnh sát nhân dân, sau đó đi học chuyên tu. Năm 1980, ông được chuyển về Công an Nghệ Tĩnh với chức vụ Đội trưởng đội săn bắt cướp (SBC).

Trên cương vị này ông đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công như bắt gọn nhóm tội phạm do Tọng (Trương Hiền), Sáu Côi… cầm đầu nổi tiếng liều lĩnh một thời ở đất thành Vinh. Sau này ông Lê Minh Thưởng nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân huy chương khác. Phần thưởng nào cũng quý nhưng quý hơn cả là Huy hiệu Bác Hồ ông được Bác tặng năm 1968.

Hơn 10 năm được gần gũi, bảo vệ Bác, ông chỉ là người phục vụ, những chuyện "quốc gia đại sự" ông không được biết. Nhưng trong đời thường ông đã được Bác dạy nhiều điều hay lẽ phải. Lần đầu tiên được bảo vệ Bác đi bộ, ông Thưởng được Bác dạy rằng: “Cùng đi thì phải nói chuyện, làm như vậy quãng đường sẽ ngắn lại. Việc gì biết thì nói, việc nào không biết thì phải hỏi, đừng giấu, im lặng làm thinh. Hiểu cái gì nói cho mọi người nghe. Im lặng có thể là dốt hoặc tự kiêu...”, ông Thưởng nhớ lại.

Được khuyến khích, ông Thưởng đã hỏi và được Bác giải thích nhiều chuyện như: sự tích con cá gỗ, chùa Bảo Minh ở đường Hùng Vương tại sao có tên khác là chùa Các Tút…. Bác vẫn gọi tấm mành treo quanh nhà sàn là tấm sáo như nhân dân Nghệ An vẫn gọi. Điều đó chứng tỏ dù xa quê nhiều chục năm, Bác không quên cả những việc nhỏ nhất.

Một lần Bác đi công tác Hải Phòng, xe đang chạy thì một đàn vịt của dân đang băng qua đường. Lái xe cố tránh nhưng không được, mấy con bị cán chết. Đến nơi Bác đã chỉ thị cho lái xe quay lại đền cho dân, hết bao nhiêu về bảo lại với Bác. Một tình huống khác cũng làm ông Thưởng nhớ mãi không bao giờ quên. Mồng 2 Tết năm 1966, Bác đi chúc tết cán bộ và nhân dân Quảng Ninh, khi về đoàn đi theo đường qua phà Phả Lại.

Mặc dù bến phà Phả Lại đã nhận được chỉ thị phải chuẩn bị 2 phà, 1 để chạy thường xuyên, 1 để phục vụ khách đặc biệt. Tuy nhiên không biết vì sao hôm đó bến phà chỉ có được một chiếc nên từ 6 - 7 giờ sáng phà không chạy, nhiều người cần qua sông bị dồn lại. Khi xe Bác đến và lên phà, mặc dù lực lượng bảo vệ đã cố ngăn nhưng nhiều người đi đường vẫn chen lên bằng được. Trên phà nhiều người đã trút sự bực dọc lên chiếc xe ôtô, có người đã văng tục.
 
Gặp người 10 năm bảo vệ Bác Hồ - 3
Bức ảnh quý giá được ông Thưởng coi như báu vật. Trong ảnh, Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở giữa, hàng đầu. Ông Thưởng bế trong lòng một cháu bé, ngồi bên phải Bác Hồ.

Thấy vậy Bác đã chỉ thị cho phà chạy chậm lại rồi xuống xe và nói: "Bác xin lỗi bà con" và sau đó chúc Tết mọi người. Khi thấy Bác xuất hiện, cả những người có mặt trên phà và những người ở hai bên bờ đã nhiệt liệt hoan hô. Nhiều người đã không quản nguy hiểm bơi ra phà để được tận mắt nhìn thấy Bác. Phà cập bến, trước khi lên xe Bác không quên nhắc lực lượng công an và nhân viên bến phà bằng mọi cách không được để một ai bị chết đuối.

Mười năm được gần Bác, ông Thưởng cũng nhận ra nhiều thói quen của Bác: Bác không bao giờ uống rượu, những lúc tiếp khách Bác cũng nâng cốc nhưng không uống. Đi thăm và làm việc ở đâu Bác không bao giờ cho phép tổ chức theo kiểu "tiền hô hậu ủng"…

Biết bao câu chuyện, bao kỷ niệm khó quên, bao bài học làm người trong quãng thời gian 10 năm bên Bác. Đó là món quà mừng tuổi quý nhất ông Thưởng vẫn dành cho con cháu mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Nguyễn Duy - Sỹ Lập