Gặp “liền chị” thuộc 200 bài quan họ cổ
(Dân trí) - Tiếng gà gáy trưa trong khoảng sân rộng hắt nắng. Ra đón khách là một bà cụ chân đất, răng đen, đầu chít khăn mỏ quạ. Thì ra, “báu vật” của làng quan họ là một cụ bà nông dân quen bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng có niềm say hát không tuổi.
Tuổi thơ theo làng đi nghe hát
Diềm Xá (Bắc Ninh) là một làng thuần nông có tiếng mê chơi quan họ một thời. Đêm, sân đình cứ ngả nghiêng theo những tiếng hát lời ca mà chỉ độc nơi này mới có. Họ hát trong trăng thanh gió mát, hát trong những dịp lễ hội, tết đến, hát để đăng đối với làng kết nghĩa Hoà Thị ở huyện Tiên Du.
Thời còn tóc chỏm để đầu, bà Nhi đã theo làng đi nghe hát. Có những canh quan họ kéo dài đến tận khuya, con nít dù thích đến mấy cũng khó cưỡng lại cơn buồn ngủ. Thế là tựa lưng và các chị Hai, chị Ba mà ngon giấc. Ngủ như là để “thức” cùng quan họ làng mình. Tuổi thơ lớn lên cùng dòng sông quan họ.
Bà Nhi nhớ lại: “Hơn 10 tuổi đã ra đình xem hát. Mon men học dần cách hát ở những người đi trước, 16 tuổi đã chính thức thành chị Hai, chị Ba rồi “lên cấp” thành chị Tư, chị Năm quan họ”. Thời ấy, quan họ “xôm” lắm. Làng có tới 12 nhóm chơi quan họ. Có những cặp đôi luôn đi hát với nhau, nhưng chẳng bao giờ lấy được nhau cả, cho dù từ quan họ mà họ nảy sinh ra cái gọi là “tình thắm duyên quê”. Bà Nhi bảo rằng, tục làng quy định đã đi hát với nhau là không cho phép lấy nhau. Vậy nên, vợ chồng bà mới phải “ông một nhóm, bà một hội”.
Cuộc đời vừa làm ruộng vừa đi hát của bà Nhi cũng có không ít những kỉ niệm vui buồn. Lắm bận, bà cùng anh em mang theo gạo, củi đi đến những vùng xa để hát theo lời mời của địa phương. “Đi như thế là để quan họ vượt làng đến giao lưu với các làng khác, phải không thưa bà?”. Bà Nhi chậm rãi một tiếng “ừ”, mắt xa xăm tìm lại hình ảnh quá khứ, của những ngày sôi nổi hát.
Bà nhớ như in lời của một vị giáo sư Việt kiều trong một lần nghe bà hát, đã nói: “Cách đây 30 năm, tôi sống ở Bắc Ninh. Giờ về lại, nghe quan họ cải biên mà buồn. Nhưng đến Diềm Xá nghe quan họ cổ thì lòng thấy vui vì vẫn giữ được cái hồn phách. Nếu để quan họ cổ như mái nhà tranh ra trước gió thì không giữ được nữa”. Ngẫm lời của vị giáo sư nọ, bà Nhi bảo: “Hát cổ, nếu bỏ là có tội”.
Gia tài quan họ nằm trong trí nhớ của bà. Bà đọc vanh vách cái gia phả cổ truyền để “quảng bá” cho tôi hay một Diềm thôn tích cũ: “Vốn xưa quan họ Bắc Ninh / Muốn tìm tích cũ đến làng Diềm thôn / Thuỷ tổ quan họ làng ta / Những lời ca xướng vua Bà đặt ra / Xưa kia nam nữ trẻ già / Ai mà ca được ắt là hiển vinh / Ngẫm xem các giọng cho tinh / Ai mà ca được hiển vinh trên đời…”.
Mà bà cũng đã chạm tới cái gọi là “hiển vinh” rồi đấy thôi, khi được Sở Văn hoá tỉnh Bắc Ninh công nhận là “di sản nhân văn sống”.
Truyền “dữ liệu” cho đời sau
Sở hữu được gần hết các giọng quan họ cổ, bà Nhi không ngần ngại biểu diễn khi tôi có ý muốn nghe. “Chờ tớ (trong suốt cuộc trò chuyện, bà Nhi hay xưng tớ với phóng viên) một lát, tớ đi gọi cụ Phụng lên nhà hát đôi cho nó tình tứ, có không khí”. Nói rồi, bà loay hoay tìm cái nón, khoác thêm chiếc áo nâu đúng kiểu truyền thống của cư dân Bắc Bộ, bước xuống bậc thềm, đi ra cổng. Dăm phút sau, bà Nhi đã kéo bạn hát về. “Đây rồi, bà 85 (tuổi) sẽ hát cùng bà 84”.
Đôi bạn già xấp xỉ tuổi nhau, quen thân nhau từ thuở tập hát điệu Hừ la, Tả Lý, Tình tang. Trên cái sập gỗ đen bóng, hai người “say” quan họ cứ thế bắt nhịp, “tung hoành” theo những nhấn nhá, luyến láy từng ca từ. “Mong người như cá mong mưa/ Mong người á a a.. như bữa cơm trưa đói lòng…”. Đó là mấy câu mở đầu trong La rằng đón khách để tỏ lòng hiếu khách từ phương xa về nghe quan họ thôn Diềm. Hết La rằng đón khách, hai bà lại tiếp bài Tiên sa xuống cõi trần chơi theo giọng bỉ, rồi chuyển sang Phú ngũ canh, Gạo ngang gạo dọc… “Quan họ cổ là vô biên như thế đó, hát không hết các giọng được đâu”, bà Nhi nói như để “khoe của” làng mình.
Trong sáu người con của bà chỉ có một người đang dành thời gian để học hát và ghi chép lại toàn bộ gia tài từ mẹ. Ký ức của một ca nhi không gương phấn, không ánh đèn sân khấu sáng trưng của đời mẹ đã được con bảo lưu qua việc “tam sao không thất bản” những làn điệu cổ của làng Diềm.
Ở cái tuổi cổ lai hy tri thiên mệnh, bà có niềm vui được làm một bà giáo dạy quan họ cho lớp trẻ. Hè đến, trong ngôi nhà ba gian hai chái của mình, bà trực tiếp hướng dẫn sinh viên trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh tiếp cận quan họ cổ. Dự trữ hơi để hát mẫu cho sinh viên nghe, giảng cho họ hiểu cách nhả chữ đúng như cách hát ngàn đời của cha ông đi trước, quả thật nhiều lúc bà cũng thấy mệt đến “đứt hơi”. “Đơn giản nhưng hơi khó hát, tớ phải bày cho từng đứa một”, bà Nhi nói. Cũng chỉ mong sao quan họ cổ đừng thất truyền vĩnh viễn.
Tuổi này, người nông dân trong bà có một niềm tâm sự rất thật: “Tớ thấy bây giờ trẻ chăm làm giàu hơn là chăm chơi quan họ như thời chúng tớ”.
Sang Anh