1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Gặp lại những chiến sỹ cách mạng kiên trung

(Dân trí) - Họ là những người con trung kiên của cách mạng, của Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Họ bị địch bắt và dùng nhiều nhục hình để tra tấn... nhưng với lòng kiên trung họ vẫn giữ vững ý chí cho đến tận hôm nay.

Gặp lại những chiến sỹ cách mạng kiên trung - 1
Ông Quỳ bị địch bẻ gãy 8 cái răng dùng nhiều hình thức tra tấn khác nhưng ông một lòng trung kiên với Tổ quốc.
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hơn 25 ngàn người con của huyện Yên Thành (Nghệ An) lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc, có tới 90 cán bộ, chiến sỹ từng bị địch bắt tù đày. Noi gương tinh thần dũng cảm và lòng kiên trung bất khuất của đồng chí Phan Đăng Lưu - người con ưu tú của quê hương và các chiến sỹ cách mạng tiền bối, các anh đã giữ vững khí tiết để chiến thắng kể thù.

Người mà chúng tôi được gặp là CCB Phan Văn Quỳ (SN 1934), hiện đang sống ở xóm 12, xã Mỹ Thành (huyện Yên Thành). Cách đây 47 năm ông là chiến sỹ ở C17 E95 - Sư 325, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường B5 (Bình Trị Thiên) và làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh ra tuyến ngoài.

Vào khoảng tháng 8/1966, trong một trận đánh, ông đã bị thương và bị biệt kích ngụy bắt giữ, bọn chúng đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn hết sức dã man, lấy đi của ông 8 chiếc răng và gây nhiều thương tích trên cơ thể. Không những thế, bọn chúng còn dùng điện dí vào người rồi bắt uống nước xà phòng trộn lẫn với hạt cay cho đến khi phải nôn ra máu...
Gặp lại những chiến sỹ cách mạng kiên trung - 2
Các cựu chiến binh gặp gỡ nhau trong ngày hội mừng thống nhất đất nước.
 
Không moi được tin tức gì, bọn địch đã đẩy ông vào nhà tù Pleiku, một thời gian sau đày ra đảo Phú Quốc. Tại đây, ông được tổ chức Đảng trong nhà lao giao nhiệm vụ cùng với đồng đội đào hầm chữ A dài 65m, ở độ sâu 3m và tham gia tổ chức cho 4 đồng đội vượt ngục an toàn. Khi kế hoạch bị lộ, ông đã đứng ra nhận hết tội về mình để bảo vệ an toàn tính mạng cho anh em, đồng chí. Lại một lần nữa ông phải đối mặt với những đòn roi tra trấn hết sức dã man của quân địch.
 
Ông kể: “Ở đảo Phú Quốc, hình thức tra trấn cũng giống như nhà tù ở đất liền, nhưng ở đây ngoài phải nằm “chuồng cọp” bọn chúng còn dùng đuôi cá đuối phơi khô để đánh, rồi dùng gậy lim khảo vào các khớp xương. Đầu tiên là gõ vào xương quai xanh ở cổ, sau đó gõ lần lượt gõ vào xương sườn làm cả vùng ngực sưng tấy, không thể thở được. Chúng tôi biết thế nào cũng đã có cách mạng sẽ giải cứu nên phải ráng chịu, chứ không thể chiều theo ý địch”.
Gặp lại những chiến sỹ cách mạng kiên trung - 3
Ông Lê Văn Nghinh kể chuyện cùng PV.

Ông Lê Văn Nghinh, ở xóm Quang Trung, xã Long Thành, nguyên chiến sỹ thuộc D8 H22A - Quân khu 4, trực tiếp tham gia chiến đấu ở các chiến trường Quảng Trị, rồi vào B2.F9 Nam Bộ, cũng bị địch bắt giam tù đày ở nhà tù ở đảo Phú Quốc.

Thuở nhỏ, ông đã nhiều lần được nghe kể về tấm gương đồng chí Phan Đăng Lưu - một chiến sỹ cộng sản ưu tú của Đảng là người con của quê hương, từng bị giặc Pháp bắt giam ở nhiều nhà tù, trong đó có nhà lao Buôn Mê Thuột - một trong những nơi hà khắc của chế độ thực dân dành cho tù chính trị.

Nhưng với tinh thần lạc quan, ý chí gang thép, đồng chí đã đã trực tiếp lãnh đạo anh em tù nhân tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà lao. Sau này ông là thường vụ Trung ương Đảng, là một trong những người lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Máu ông cùng nhiều đồng chí, đồng bào nhuộm đỏ mảnh đất Hóc Môn - Bà Điểm.
Sự hy sinh anh dũng của đồng chí Phan Đăng Lưu như tiếp thêm ý chí và sức mạnh để Lê Văn Nghinh và anh em đồng chí bị tù đày trên đảo Phú Quốc giữ vững khí tiết đấu tranh, chống trả với kẻ thù. Mặc cho kẻ địch đàn áp dã man, nhưng với tấm lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh quả cảm, ngay trong lao tù ông đã đánh chết 1 tên mật vụ nguy hiểm, làm cho kẻ địch phải hoang mang khiếp sợ.
 
Ông Nghinh nhớ lại: “Hồi đó vào cuối tháng 12 năm 1971, sau khi nhận nhiệm vụ của tổ chức Đảng sinh hoạt trong tù. Khoảng 17h vừa ăn cơm chiều xong, thấy thằng mật vụ đi tới, tôi liền rút khúc gỗ nhỏ được dấu ở trong chiếc võng bao tải, lao vào đánh mạnh một phát vào gáy làm nó chết ngay tại chỗ. Đến sáng hôm sau tôi đã đứng ra nhận việc mình làm trước bọn quân cảnh để giữ kín bí mật và an toàn cho tổ chức. Lần đó tôi bị kẻ địch đưa về nhà tù Cần Thơ, mở tòa án binh xét xử 3 năm tù đày khổ sai, nhưng bản án vừa có hiệu lực thì hiệp định Pari (1973) được ký kết, ông và các đồng đội được trả tự do để kịp tham gia trong chiến dịch Hồ Chí Minh - 1975 lịch sử”.
Gặp lại những chiến sỹ cách mạng kiên trung - 4
 Ông Chu Cấp kể về những trận đòn của bọn địch tra tấn.

Tại xóm Chu Trạc, xã Hoa Thành, có thầy giáo Chu Cấp - nguyên Phó ty giáo dục tỉnh Mỹ Tho những năm 1966- 1970, tham gia hoạt động cách mạng ở chiến trường miền Nam, từng bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình ông, hiện còn lưu giữ rất nhiều tài liệu quý về chiến tranh, cũng như các kỷ vật trong lao tù của chế độ bè lũ tay sai và đế quốc, đó là nguồn tư liệu sống để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Gặp lại những chiến sỹ cách mạng, chúng tôi được nghe các ông kể nhiều về sự hy sinh gian khổ của các chiến sỹ cách mạng bị địch đày ra Côn Đảo. Nhưng có một sự kiện không thể quên, đó là kẻ địch đã dùng lựu đạn cay, thậm chí có cả chất độc hóa học để đàn áp tù nhân, để đối phó với hành động này, các chiến sỹ của ta đã có sáng kiến xé vải quần, vải áo để làm những chiếc khẩu trang che mặt, trên đó khoét hai lỗ nhỏ để gắn tấm nhựa màu trắng có thể nhìn thấy, như thế mới chống trả được sự đàn áp bằng hơi độc của kẻ địch.

Không thể kể hết tinh thần dũng cảm, kiên trung bất khuất của các chiến sỹ cách mạng từng bị địch bắt tù đày nói riêng, những người từng cầm súng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc nói chung, cũng như tội ác man rợ của bè lũ tay sai, đế quốc. Nhưng vẫn còn đó những tấm gương hy sinh anh dũng, những người còn sống hay đã khuất mãi là biểu tượng cao đẹp về lòng yêu nước, ý chí gang thép của những người cách mạng quê lúa Yên Thành, góp phần tô đẹp hơn hình ảnh người lính Cụ Hồ của một dân tộc anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nguyễn Duy - Thái Dương