1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Gặp lại người nữ du kích Lai Vu

(Dân trí) - Có một người nữ du kích đã đi vào thơ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu, trở thành hình tượng đẹp quên mình vì nghĩa. Chị là Bùi Thị Vân, cô du kích xóm Lai Vu (làng Lai Vu, xã Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương).

Ký ức về một thời máu lửa
 
Bây giờ, gặp lại những anh bộ đội từng chiến đấu trên trận địa Lai Vu, hỏi đến người có biệt danh “con thoi trong tuyến lửa” ai cũng nhớ rõ. Đó chính là biệt danh mà những anh bộ đội vui tính đặt cho chị Vân khi thấy sự nhanh nhẹn đến không ngờ của cô du kích xóm Lai Vu. Khi ấy, cả xã chỉ có hai chị làm liên lạc, một người nắm tình hình trong xã, riêng chị Vân được phân công theo dõi ngoài trận địa. Hễ nghe thấy tiếng kẻng báo động là chị thoăn thoắt chạy ra trận địa. Tiếng bom vừa dứt, chị đã có mặt ngoài trận địa, nắm tình hình xem máy bay địch ném bom những đâu, bao nhiều quả, quân mình có hạ được chiếc nào không, rồi lại thoăn thoắt chạy về báo cáo ban chỉ huy xã.
 
Gặp lại người nữ du kích Lai Vu - 1
Mẹ chị Vân tham gia hội "Mẹ chiến sỹ" đang vá áo cho bộ đội
(Ảnh do gia đình cung cấp)
 
Những năm 1965 - 1970, Lai Vu được coi là một “túi đựng bom” của giặc Mỹ. Mỹ thua đau ở miền Nam đã điên cuồng “leo thang” chiến tranh ra miền Bắc, muốn biến miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá, đồng thời chặn đứng sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Lai Vu nằm cạnh quốc lộ 5, tuyến đường huyết mạch để chuyển hàng hoá từ cảng Hải Phòng về Hà Nội và đi các nơi. Giặc Mỹ điên cuồng “trút giận” xuống tuyến đường này. Những cây cầu, ga xe lửa không biết đã hứng chịu bao nhiều tấn bom của chúng.
 
Trước khi chuyển sang làm liên lạc, chị Vân là một chiến sỹ du kích rất tích cực của đội du kích xã Lai Vu. Nhớ về những kỷ niệm khi cầm súng đứng trong hàng ngũ du kích, chị không giấu nổi niềm xúc động. Thời ấy ai cũng hào hứng tham gia đánh giặc. Thanh niên trai tráng lên đường nhập ngũ hết, người già và trẻ nhỏ được lệnh đi sơ tán. Một số cụ bà ở lại lập hội “Mẹ chiến sỹ”, mang nước ra động viên bộ đội, vá áo cho chiến sỹ và chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh. Các chị, ai có gia đình rồi thì vào đội dân quân, ai chưa có thì vào đội du kích. Chị nằm trong đội trực chiến do huyện chỉ đạo, ngày luyện tập, đêm ngủ tập trung, hễ có báo động là sẵn dàng chiến đấu.
 
Gặp lại người nữ du kích Lai Vu - 2
Chị Vân bên người chồng của mình, anh Nguyễn Đức

Chị tâm sự, thời đó vui nhất là được trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu. Đội du kích của chị chỉ được trang bị súng trường nên có nhiệm vụ “xua” máy bay tầm thấp của địch lên cao cho pháo cao xạ hạ gục. Ngay trong trận đánh đầu tiên ngày 5/11/1965, đội du kích của chị đã hạ được một chiếc F4 đang lượn lờ đánh phá cầu Lai Vu.

40 năm một kỷ niệm

Bây giờ, cô nữ du kích xóm Lai Vu năm xưa đã ngoại lục tuần, đang sống trong một ngôi nhà khiêm nhường ở khu tập thể Viện nghiên cứu ngô (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội). Chồng chị, anh Nguyễn Đức (quê Quãng Ngãi), trước là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đi học rồi là kỹ sư nông nghiệp. Căn nhà nhỏ của anh chị cứ cuối tuần lại rộn ràng tiếng trẻ nhỏ. Hai người con gái chị, một kỹ sư nông nghiệp, một cô giáo, đều đã có gia đình, cuối tuần lại đưa bọn nhỏ về quây quần bên ông bà.

Suốt một thời chiến đấu bảo vệ mảnh đất Lai Vu, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị là được đi vào thơ của Tố Hữu mà không hay biết. Cả gia đình cười vui khi nhắc đến kỷ niệm này của chị. Trên khuôn mặt chị nở một nụ cười ngượng nghịu như thời còn con gái.
 
Gặp lại người nữ du kích Lai Vu - 3
Chị Vân lần giở những trang kỷ niệm thời trẻ của mình

Ấy là trong trận đánh đầu tiên năm 1965. Sáng đó, trời có mưa, trong hố cá nhân của chị đầy nước và có một con rắn nhưng anh trung đội trưởng không làm cách nào bắt nó lên được. Chị thì vốn sợ rắn từ bé nên không dám tới gần. Vậy mà khi có báo động, chị nhảy thoắt xuống hố cá nhân của mình ngắm bắn máy bay địch, chẳng bận tâm gì tới con rắn đang lượn lờ quanh chân mình. Chị cười, kể lại: “Khi ấy tôi chỉ chăm chú vào lời của chỉ huy, cố gắng hạ máy bay địch chứ có nghĩ gì đến rắn rết đâu”.

Đến khi máy bay địch rút chạy, mọi người giật mình thấy chị nhảy lên từ hố cá nhân, hét lên thất thanh. Chạy lại xem thì chị đã gần như ngất xỉu, con rắn đã cắn chị không biết bao nhiêu vết nhưng may mắn đó chỉ là một con rắn nước.

Sau đó không lâu, nhà thơ Tố Hữu đi cùng đoàn của Thủ tướng Phạm Hùng về thăm xã Lai Vu. Câu chuyện của người nữ du kích Lai Vu tình cờ đến tai nhà thơ và ông đã đưa vào bài thơ của mình, trở một hình tượng quên mình vì nghĩa như truyền thống của dân tộc ta: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chị cũng không hay biết mình đã đi vào thơ của Tố Hữu bao giờ, mãi sau này có người chép lại cho chị, chị mới biết. Lần giở quyển sổ chép đầy các bài hát, bài thơ và cả những dòng kỷ niệm thời chiến tranh, chị đọc lại những vần thơ của Tố Hữu:

“… Chuyện cô du kích xóm Lai Vu

Rắn quấn bên chân, vẫn bắn thù

Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước

Rắn, mình em chịu, có sao đâu!”

Tiến Nguyên - Vi Lay

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm