1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần Thơ:

Gặp lại người 20 năm không ăn cơm vẫn sống khỏe

(Dân trí) - Gần 20 năm ông không ăn cơm, nước cũng uống rất ít, nhưng ông vẫn khỏe mạnh và làm việc bình thường. Câu chuyện về cách sống kỳ lạ của ông khiến nhiều người không tin.

Ông Phan Tấn Lộc 20 qua không ăn cơm nhưng vẫn sống khỏe mạnh

Ông Phan Tấn Lộc 20 qua không ăn cơm nhưng vẫn sống khỏe mạnh

Đó là trường hợp ông Phan Tấn Lộc, tên thường gọi là Ba Nhị, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Cách đây 6 năm, Dân trí có đăng thông tin về ông trong bài “người 15 năm không ăn cơm”. Mới đây trong một dịp công tác, phóng viên có dịp trở lại thăm ông, được biết ông vẫn sống khỏe mạnh, thậm chí còn tăng cân, da dẻ hồng hào mặc dù không ăn cơm.

Vẫn con người ấy, khuôn mặt đôn hậu, nói chuyện rất nhẹ nhàng, điềm đạm, ông bắt đầu câu chuyện: “Đã 6 năm rồi mới gặp lại con gái, không biết con thế nào, còn bác thì vẫn không ăn được cơm, nước cũng uống ít hơn và ngủ cũng ít hơn, nhưng lại lên ký và cảm thấy sức khỏe tốt hơn”.

Ông kể mới đây trong một lần đi kiểm tra sức khỏe tại phòng siêu âm ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bác sĩ siêu âm hỏi ông đã ăn sáng chưa, ông nói gọn: “Tôi đã ăn một tô phở rồi, thấy bụng bị chướng nên muốn siêu âm màu xem có gì không”. Bác sĩ siêu âm rất nhiều lần và thấy lạ vì đường ruột rất nhỏ nên hỏi lại: “Có thật bác đã ăn sáng rồi không?”. Ca siêu âm kéo dài gần 30 phút, sau đó cả khoa tập trung tới 12 người để xem kết quả siêu của ông vì ai cũng lấy làm lạ. Lúc đó ông đành nói thật, gần 20 năm nay ông không ăn cơm.

Chị Phan Thúy Hằng, con gái đầu lòng của ông Lộc tâm sự, khi ông đột ngột nghỉ ăn cơm, gia đình rất lo sợ, đưa ông đi chữa ở một số bệnh viện. Một số bác sĩ nói ông bị rối loạn tiêu hóa nhưng chữa không lành. Chữa mãi ông vẫn không ăn được cơm nhưng sức khỏe ông không sao, vẫn lao động bình thường nên gia đình không đưa đi bác sĩ nữa. Gần chục năm nay ông thích uống trà đá đường nên con cháu đi đâu về cũng mua về cho ông uống.

Ông Lộc cũng cho biết, mặc dù không ăn uống nhưng mọi việc trong nhà, trong vườn đều tự tay ông làm. Từ năm ngoái tới nay ông còn đi trông công trình nhà cho 2 người con. Gia đình ông có 5 người con và 4 đứa cháu, tất cả các cháu đều ở trong trong nhà ông, mọi chuyện cơm nước hay học hành của các cháu đều một tay ông làm.

Nhiều hôm mệt quá mà không uống được trà đường, ông lại được con chở đi bác sĩ để truyền nước biển hoặc đạm. Mỗi tháng ông truyền nước biển khoảng 2 lần, mỗi lần 2 chai. Con cái thấy ông không ăn cơm nên muốn ông nghỉ lao động nhưng ông không đồng ý.

Ông Lộc và bà Nhị cho biết tuần sau ông sẽ đi bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân vì sao ông chán cơm

Ông Lộc và bà Nhị cho biết tuần sau ông sẽ đi bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân vì sao ông chán cơm

Ông tâm sự, ông không ăn uống gì, số tiền dành dụm được mỗi tháng một lần ông ghé Trung tâm Chăm sóc người già và trẻ em không nơi nương tựa để động viên họ. “Họ ăn được nhưng cuộc sống lại khổ và thiếu thốn hơn mình nhiều, bác chỉ muốn làm phước để con cháu mình mai mốt được sống hạnh phúc hơn thôi” - ông Lộc tâm sự.

Ông Lộc cho biết thêm, gia đình ông có đến 8 anh em, khi còn trẻ ai cũng ăn uống bình thường nhưng đến tuổi trung niên tất cả đều chuyển qua ăn chay. Từ đầu năm 2013 đến nay, người anh kế ông cũng có hiện tượng bỏ cơm giống ông, chuyển qua ăn rau quả, uống nước trà, nhưng vẫn to béo khỏe mạnh.

Bà Bùi Thị Nhị (65 tuổi) - vợ ông Lộc - nói, đã từ lâu ông chỉ uống trà đá đường nên nhiều lúc trong vườn có rau ngon, bà năn nỉ ông ăn một miếng, ông đồng ý nhưng bà nấu xong ông lại không ăn. “Tôi cũng buồn nhưng không có cách nào khác. Đầu tuần tới gia đình sẽ đưa ông tới bệnh viện, tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám thật kỹ nhằm tìm ra nguyên nhân vì sao như thế”, bà Nhị nói.

Phạm Tâm