Gặp lại Hoàng Sa
(Dân trí) - Không hòn đảo nào trên dải đất hình chữ S có lễ thức vừa liêu trai bi tráng nhưng rất đỗi thiêng liêng như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn. Mỗi lần tổ chức lễ là một dịp nhắc nhở, Hoàng Sa mãi trường tồn trong huyết quản người dân Việt.
Câu ca đã xuyên qua mấy thế kỷ để song hành cùng hai vạn dân trên đảo, dù mỗi lần đọc lên là một lần nghe xa xót đến quặn lòng. Câu ca hàm chứa một sự hy sinh cao cả của nhiều thế hệ cư dân trên hòn đảo này, để Tổ quốc có thêm một dải-cát-vàng-Hoàng-Sa từ hơn 300 năm trước.
Lễ khao lề với những nghi thức đặc thù của văn hóa dân gian biển đảo, lại được tưới tắm bởi tinh thần “cưỡi sóng đạp phong ba” của những hùng binh Hoàng Sa, sẽ là dịp để du khách hình dung về nỗi gian truân mà những binh phu Lý Sơn đã ra đi trên những chiếc thuyền nan mỏng manh như thế nào để đặt chân lên Hoàng Sa suốt mấy trăm năm không một lần ngừng nghỉ.
Suốt mấy mươi năm chiến tranh và cũng từng ấy năm sống trong hòa bình nhưng nghèo khó, người dân Lý Sơn có một nỗi khao khát cháy lòng, đó là việc phục dựng lại đình An Vĩnh. Ngôi đình đã từng chứng kiến hàng trăm cuộc tiễn đưa của lính Hoàng Sa đã bị thời gian xóa sổ. Ngành văn hóa đã phục dựng lại nguyên hiện trạng ngôi đình trên chính nền đất cũ. Một lễ rước linh vị những hùng binh Hoàng Sa từ Âm Linh Tự về nhập điện ngôi đình này sẽ được cử hành trang nghiêm trong ngày “tế lính”. Bắt đầu từ hôm nay, linh hồn của những người lính Hoàng Sa từng gửi thân xác giữa biển cả sẽ có chỗ để đi-về. Gặp lại ngôi đình cùng bài vị của những “hùng binh” là gặp lại Hoàng Sa thời ra trận của ông cha thuở trước.
Ngành văn hóa cũng đã xây cụm tượng đài “Hùng binh Hoàng Sa” cùng Nhà trưng bày những hiện vật, hình ảnh về Hoàng Sa - Trường Sa tại An Vĩnh. Người xem lại có dịp “gặp lại Hoàng Sa” với nhiều hình ảnh và hiện vật liên quan đến mấy trăm năm giữ đất nơi Hoàng Sa của ông bà mình.
Tổ chức Lễ Khao lề không chỉ là dịp để hậu thế gặp lại tiền nhân từ thuở “giong buồm đi mở cõi” mà còn là để nhắc cho mỗi người dân Việt nhớ rằng, Tổ quốc ta hiện vẫn còn một phần đất đai nơi trùng khơi ấy, đó là quần đảo Hoàng Sa.
Trà Ban