1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gặp lại cô gái phá bom thời chống Mỹ

(Dân trí) - Nhớ lại tuổi đôi mươi, cùng 10 đồng đội tham gia đội cảm tử quân “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, chuyên tiêu rà phá bom, bà Nguyễn Thị Năm giờ vẫn thấy hãnh diện, tự hào. Có những lúc vừa phá bom vừa ở bên người yêu; bom đạn hiểm nguy cũng không ngăn được tình yêu thăng hoa...

Làng Văn Long, Thanh Văn, Thanh Chương (Nghệ An) quê bà Năm yên bình như bao làng quê khác. Cách đây 40 năm, làng là tâm điểm hứng chịu hàng ngàn tấn bom của giặc Mỹ; vậy mà nay đã vực dậy thần kỳ.

 

Thời máu lửa

 

“Hồi nớ máy bay chúng quần ngày quần đêm. Bom dội xuống làng như rải thảm. Mỗi lần như thế làng lại như bó đuốc bùng cháy, hoang tàn, đổ máu. Bom không nổ nằm vương vãi khắp nơi trong làng, từ lòng sông, ruộng lúa đến ngay trong nhà dân”, bà Năm nhớ lại.

 

Trước tình hình đó, 11 thanh niên, 6 nam, 5 nữ tuổi mới đôi mươi của làng Văn Long đã xung phong tuyên thệ đứng vào hàng ngũ đội cảm tử quân, nhận nhiệm phát hiện và phá những quả bom chưa nổ để đảm bảo an toàn cho quân và dân.

 

Bà Năm kể: “Hễ cứ thấy máy bay Mỹ ném bom là mình phải chầu chực xem có bao nhiêu quả nổ, chưa nổ và xác định tọa độ những quả bom “tịt”. Giặc rút, anh chị em lại nhanh chóng vác cờ đi tiêu bom để sau đó tiến hành rà phá”.

 

Công đoạn “săn” bom đã khó (chỉ nhìn bằng mắt thường trong làn khói bụi mịt mù), việc phá bom còn nguy hiểm gấp bội phần. Mọi bước đều được thực hiện thủ công, thô sơ, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là thân thể tan nát. Bà Năm kể câu chuyện phá bom, nghe mà rùng mình: “Sau khi xác định được vị trí bom, chúng tôi lấy xuổng gỗ đào hai cái hầm chặn hai đầu quả bom. Hầm sâu sao cho khi đứng xuống chỉ thấy mặt người , khoảng các từ mỗi hầm đến quả bom cũng không được gần quá. Sau đó lấy dây tre buộc vào mảnh thùng phuy để kéo. Hai người đứng ở hai hầm cầm hai đầu dây kéo lại sao cho mảnh sắt chạm vào bom thì thì nó phát nổ…”.

 

Mỗi lần mảnh sắt chạm vào bom, bà và đồng đội lại một lần thót tim. Có những quả bom chạm 5, 6 lần mới nổ. Nhiều bận bom nổ, sức công phá lớn đã làm sập hầm trú; có lần bà bị hầm vùi, gãy hết răng. Nguy hiểm hơn có nhiều quả bom nằm sâu dưới lòng sông, mọi người lại phải lặn xuống dùng dây buộc chặt rồi dùng trâu kéo lên để phá.

 

Nguy hiểm là thế, nhưng bà và đồng đội không nản lòng, vì “làm cảm tử quân nghĩa là nguyện sẽ chết, chết vì tổ quốc quyết sinh”.

 

“Ở gần bom nhiều hơn gần người yêu”

 

Cho đến tận bây giờ, người dân Thanh Chương vẫn coi 5 cô gái Văn Long phá bom ngày ấy như những huyền thoại. Những cô gái tuổi xuân chưa đầy 20 mà bom Mỹ cũng phải “nể sợ”.

 

Giặc Mỹ trút bom xuống xã Thanh Văn vì lúc bấy giờ đây là nơi đón nhiều cơ quan quan trọng của tỉnh Nghệ An sơ tán về như Ty Thương nghiệp, Ty Lao động, Đoàn an dưỡng... Đặc biệt đây là chốn dừng chân cuối cùng của bộ đội ta để hành quân vào Nam.

 

Làng Văn Long lại nằm ở vị trí hết sức đặc biệt, trước mặt là QL 15B, sau lưng là QL 15A. Ngoài ra, làng Văn Long còn là nơi tập kết hàng hoá, đạn dược chi viện cho chiến trường bằng đường thuỷ theo dòng sông Lam. 

 

Tiêu diệt được Văn Long có nghĩa là đốt cháy được một phần hậu cần của quân ta. Vì thế mà suốt ngày đêm, Văn Long bị máy bay Mỹ quần thảo. Có những ngày chúng đánh 10 trận bom. Trong khoảng thời gian từ năm 1968 - 1972, làng Văn Long gần như không còn một khoảng đất nguyên lành… Đội cảm tử quân của làng Văn Long ra đời từ đó.

Chuyện 5 cô gái Văn Long ngày ngày lăn lộn tìm kiếm và phá bom nghe mà hãi hùng, khó tin; nhưng chuyện những mối duyên vợ chồng ngay trong đội cảm tử quân thì lại vô cùng lãng mạn. Đội cảm tử năm ấy có 11 người thì sau này có 2 cặp uyên ương đã nên duyên vợ chồng. Bà Năm và chồng cũng nên duyên từ những chuyến phá bom.

 

“Tui với ông nhà (cảm tử quân Nguyễn Văn Thắng - PV) năm ấy chưa đến 20 tuổi. Trước khi vào cảm tử quân cũng đã có mến nhau. Rồi chiến tranh ác liệt hai đứa ít có dịp được gặp nhau dù ở trong cùng một đội. Nhiều lúc nghĩ mình ở cạnh bom còn nhiều hơn cả bên người yêu…”, bà Năm nhớ lại. 

 

Ký ức bà Năm không bao giờ quên lần bà được ở rất gần người yêu, trong cùng một hầm phá bom, trong thời khắc vô cùng nguy hiểm, khi cả đội đang kích cho quả bom phát nổ. Tình yêu bị chiến tranh chia cắt, dồn nén khiến đôi trẻ quên cả quả bom bên cạnh, quấn quýt lấy nhau. Rồi bom nổ, hai người vui mừng vùng lên ôm chầm lấy nhau, tình yêu thăng hoa trong lửa đạn…

 

Tháng 6/1970, bà Năm và ông Thắng nên vợ nên chồng. Rồi hoà bình lập lại, hai ông bà tiếp tục hoạt động tại địa phương. Ông làm cán bộ HTX, bà trở thành cô giáo mầm non trường làng. “Vợ chồng tui làm lụng đủ nghề, nấu rượu, làm bún, nuôi lợn... để có tiền nuôi 5 đứa con ăn học nên người…”, bà Năm kể.

 

Ngoài đôi uyên ương Năm - Thắng, đội cảm tử quân ngày ấy còn có một cặp đôi hạnh phúc khác là vợ chồng ông Nguyễn Duy Hợi và bà Ngyễn Thị Ba.

 

Rời Văn Long, chúng tôi day dứt về lời ông Nguyễn Văn Hoè - Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Văn: “Đội cảm tử quân, đặc biệt là năm cô gái Văn Long ngày ấy, là những người con anh dũng của xã Thanh Văn anh hùng. Trong chiến tranh họ đã tình nguyện hiến dâng mạng sống của mình cho quê hương, đất nước. Trong sản xuất họ là những người nông dân chịu thương, chịu khó, chắt chiu dành dụm để xây dựng quê hương. Điều trăn trở của cá nhân tôi cũng như lãnh đạo xã là chưa có một chế độ đãi ngộ nào để động viên các chị…”.

 

Đặng Nguyên Nghĩa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm