1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

“Gặp chuyên viên sở khó hơn gặp… lãnh đạo thành phố!”

(Dân trí) - “Có những việc quận gặp Giám đốc sở đã thấy yên tâm, nhưng khi gặp chuyên viên thì bị… lắc. Hơn nữa, để gặp được chuyên viên sở có khi khó hơn gặp… lãnh đạo thành phố”, Bí thư quận Long Biên Trần Văn Thanh bày tỏ tại Hội nghị BCH Đảng bộ Hà Nội.

Rất nhiều ý kiến phê sự “quan liêu” của cán bộ sở, quận đã được nêu lên tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, diễn ra sáng nay 25/11.

Báo cáo kinh tế - xã hội do Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình trình bày tại hội nghị cho biết, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố năm 2009 ước tăng 6,7% so với năm trước, trong đó dịch vụ tăng 7,4%, công nghiệp - xây dựng 6,9%... Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: tỉ trọng ngành dịch vụ tăng và ngành nông nghiệp giảm.

Tuy nhiên, theo ông Bình, môi trường sản xuất, kinh doanh dù đã có nhiều chuyển biến song chưa thật sự thông thoáng. Ý thức chấp hành kỷ cương hành chính trong thực hiện một cửa liên thông của một bộ phận cán bộ chưa nghiêm.
 
“Còn tắc trách của một số cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan doanh nghiệp và người dân. Năng lực quản lý, điều hành của một số cấp chính quyền cơ sở còn hạn chế. Sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành có lúc còn thiếu tập trung, chưa đạt hiệu quả”, ông Bình nhấn mạnh.
 
“Gặp chuyên viên sở khó hơn gặp… lãnh đạo thành phố!” - 1
Một số cán bộ còn tắc trách trong giải quyết công việc (Ảnh có tính minh họa)

Góp ý với báo cáo của thành phố, Bí thư quận Hà Đông, Lê Hồng Thăng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm chưa ổn trong việc thực hiện quy trình thủ tục.

Dẫn chứng, Chủ tịch UBND TP cùng các sở ngành họp với quận Hà Đông chỉ 1,5 tiếng đã quyết xong chủ trương xây nhà ở sinh viên trên địa bàn quận. Cũng chỉ mất “ít phút”, quận đã chỉ được khu đất 100ha dành cho việc xây khu nhà này. Tuy nhiên, sau đó quận Hà Đông đã mời các ngành cùng Phó Chủ tịch UBND TP họp 2, 3 lần nữa, nhưng tiến độ công việc trong thực tế vẫn chưa chuyển. Đến thời điểm này, khu đất được chọn vẫn còn… bỏ hoang.    

Chưa hết, để giải quyết một sự việc tại khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông đã chủ trì một cuộc họp, mời đại diện các sở, ngành của thành phố đến bàn bạc. Tiếp đó, quận có báo cáo hướng giải quyết lên thành phố, nhưng rất lâu sau, các sở ngành của thành phố vẫn chưa thống nhất chủ trương để quận có thể trả lời người dân.

Từ thực tế này, ông Thăng đề nghị nên bỏ cơ chế liên ngành, chỉ để một ngành chịu trách nhiệm. Trường hợp ngành đó muốn hỏi ý kiến ai, cơ quan nào là việc của ngành đó.

Có những cán bộ tự cho mình là… “to lắm”

Bí thư quận Long Biên Trần Văn Thanh cho biết: “Có những việc quận gặp Giám đốc sở đã thấy yên tâm, nhưng khi gặp chuyên viên thì bị… lắc. Hơn nữa, để gặp được chuyên viên sở có khi khó hơn gặp… lãnh đạo thành phố”.

Nhiều chuyên viên sau khi họp tại các quận đã không báo cáo với lãnh đạo sở và chính điều này đã khiến dự án kéo dài.“Chúng tôi có hàng trăm dự án, chúng tôi đều làm được, nhưng phải nói thật là quy trình thủ tục quá vất vả”, ông Thanh than.

Để những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới có thể trở thành hiện thực, ông Thanh cho rằng, không chỉ phụ thuộc vào lãnh đạo các sở ngành mà còn phải giáo dục cán bộ thực thi nhiệm vụ của các đơn vị này.

Vị Bí thư quận Long Biên thẳng thắn thừa nhận, ngay tại quận ông, “cứ lơ là một chút là dễ có chuyện”, bởi có những cán bộ của quận tự cho mình là “to lắm”.

Bí thư huyện Đan Phượng, Nguyễn Xuân Cửu lại cho rằng, có nhiều trường hợp “dưới khẩn trương, nhưng trên chưa kịp thời”.

Cụ thể, có dự án của huyện được lãnh đạo thành phố nhất trí chủ trương, làm việc với các chuyên viên cũng đã thông, nhưng khi quay lại trình thành phố, một năm cũng chưa quyết xong.

Kinh phí giải phóng mặt bằng từ 10 tỉ ban đầu đã tăng lên 50 tỉ… “Phải rút ngắn thời gian vì lẽ ra làm được 2-3 công trình, nhưng rồi chậm nên 1 công trình cũng không được”, ông Cửu bức xúc.

Cũng theo ông Cửu, tại các huyện hiện chưa có quy hoạch, nhưng với các dự án bức xúc như trường học, trụ sở UBND xã, nước sạch, rác thải… thành phố phải có cách giúp huyện. Ít nhất, dưới huyện báo cáo lên, trên phải trả lời rõ là được hay không được.
 

Cấn Cường