Gánh nặng của hạt thóc
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc hàng năm nông dân phải đóng góp tới 122 khoản, chiếm 5% thu nhập. Gánh nặng đó khiến nhiều người nghèo không còn tiền để chi phí cho các nhu cầu thiết thân khác như chăm sóc sức khoẻ, lo cho con cái học hành...
>> 122 khoản thu đang “đè cổ” nông dân
Các khoản thu trên có thể được thực hiện đúng quy trình, nhưng thực tế cho thấy nó vượt quá khả năng chịu đựng, gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều người dân. Tuy nhiên, điều cần phải suy xét là đồng tiền mà người nông dân đóng góp có được sử dụng hiệu quả hay bị lãng phí?
Minh chứng rõ đối với câu hỏi này, đó là nhiều công trình thuỷ lợi, giao thông và các công trình trường trạm khác phục vụ cho đời sống dân sinh vùng nông thôn có chi phí cao nhưng chất lượng kém, chưa kịp sử dụng đã hư hỏng.
Sự lạm dụng công quỹ và rút ruột công trình thực chất là “ăn chặn”, gây lãng phí tiền đóng góp của dân. Cùng với sự thất thoát đó là một bộ phận quan chức thoái hoá ở địa phương giàu lên - sự giàu trên mồ hôi nước mắt của người nghèo.
Khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng xa và những khoản thu trên làm tăng thêm khoảng cách. Trong khi đó, sự thụ hưởng các công trình phúc lợi giữa những người dân của hai khu vực càng ngày càng bất hợp lý, hay nói đúng hơn là bất công.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số chính sách, nhằm giảm bớt các khoản đóng góp bất hợp lý cho người nông dân. Bộ trưởng Phát nói, việc giảm các khoản đóng góp là “để cho vai người nghèo bớt nặng”.
Theo báo cáo về các khoản đóng góp của nông dân và một số chính sách giảm bớt các khoản đóng góp của nông dân mà Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ, nếu xoá bỏ 18 khoản thu, ước tính khoảng 1.200 tỉ đồng.
Với con số này, chỉ cần chống được một phần tham nhũng và lãng phí trên một số công trình xây dựng thì cũng đủ để bù đắp cho các khoản đóng góp của người nông dân trong cả một năm.
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động