1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gánh nặng chống lạm phát đang đè lên vai doanh nghiệp

(Dân trí) - Sáng 11/10, Hội nghị doanh nhân tiêu biểu toàn quốc 2008 diễn ra long trọng tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và lắng nghe những tâm tư của các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.

Doanh nghiệp thiệt hại nặng vì lạm phát

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đều có chung nhận định, trong 9 tháng đầu năm, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do lạm phát tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, thị trường tài chính ngân hàng diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán và bất động sản suy giảm mạnh, giá xăng dầu, vàng tăng cao. Trong khi đó, giá ngoại hối khá ổn định một thời gian dài làm cho phát sinh nhập siêu, xuất khẩu đạt hiệu quả thấp.

Về những giải pháp mà Chính phủ đưa nhằm kiềm chế lạm phát trong thời gian qua, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng: Những kết quả bước đầu thực hiện 8 nhóm giải pháp này còn nhiều hạn chế, chưa thực sự ổn định, chưa có cơ sở vững chắc và còn nhiều tiềm ẩn rủi ro cho nên hiện nay xuất hiện tư tưởng “tiêu cực” như hoạt động cầm chừng, chờ đợi, chủ yếu lo đối phó, lo trả nợ ngân hàng, chạy nợ quá hạn, sợ bị phá sản…

Bên cạnh đó, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô và công tác quản lý ngành còn nhiều bất cập. Cụ thể là thực hiện chủ trương siết chặt chính sách tiền tệ thì các ngân hàng siết đồng loạt, không phân biệt đối tượng và liều lượng như thế nào cho nền kinh tế ổn định và phát triển được; không có chính sách khuyến khích xuất khẩu hay hạn chế nhập siêu nhưng lại giữ tỷ giá thấp trong thời gian dài.

Giá gạo tốt nhưng không cho xuất khẩu làm thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp và cả nhà nước vừa qua là không nhỏ, phát triển cá tra tràn lan không ai kiểm soát, sữa nhiễm chất độc không ai kiểm tra…

Ông Minh cũng nhận định, nguyên nhân của những bất cập trên là do thiếu thông tin chính xác kịp thời của các cơ quan tham mưu chức năng giúp chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, kịp thời ra các quy định chính xác và hiệu quả nhất.

Chủ tịch Hiệp hội công thương TP Hà Nội, ông Vũ Duy Thái khẳng định: Những biện pháp kiềm chế lạm phát ngặt nghèo đã đặt ít nhất 50% doanh nghiệp dân doanh vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Muốn có vốn để duy trì sản xuất, họ phải đi vay ở thị trường chợ đen với lãi suất cao. Một số ít doanh nghiệp là khách hàng truyền thống được ngân hàng cấp tín dụng nhưng cũng chỉ với thời hạn tối đa 3 tháng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Một số tổ chức đã nêu ra số liệu về tình trạng nguy cấp này. Hiệp hội Công Thương đã có danh sách những đơn vị vì thiếu vốn đã phải rút bỏ đầu tư, hoặc co cụm chịu lỗ chờ thời. Song trớ trêu thay, báo cáo môi trường kinh doanh năm 2008 lại đánh giá: “Tiêu chí tiếp cận tín dụng được cải thiện hàng đầu, trong 10 tiêu chí được xếp hạng của Việt Nam!”, ông Thái nói.

Cần cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách

Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện kinh tế Việt Nam nhận định: “Hiện nay, công cụ chống lạm phát chủ yếu là lãi suất cao. Với công cụ này, gánh nặng chống lạm phát chủ yếu đè lên vai doanh nghiệp. Hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp là đúng. Nhưng nếu đơn thuần hạ lãi suất để giảm nhẹ gánh nặng doanh nghiệp thì có nguy cơ bùng lại lạm phát cao. Điều này đi ngược lại mục tiêu ưu tiên của cả nền kinh tế, gây thiệt hại toàn cục và cho từng doanh nghiệp.”

Vì thế, theo ý kiến của chuyên gia kinh tế này, để đảm bảo tính nhất quán trong chính sách và hành động ưu tiên kiềm chế lạm phát, việc hạ lãi suất phải trên cơ sở giảm áp lực lạm phát. Cùng với biện pháp duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ (lãi suất cao), cần phải có những công cụ hỗ trợ hữu hiệu. Những công cụ đó là cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách, trong đó cốt lõi là đầu tư công.

Việc thu hẹp công suất một trong hai máy bơm tiền cho nền kinh tế (là ngân hàng và ngân sách) sẽ làm giảm nhanh áp lực lạm phát, từ đó tạo khả năng kéo lãi suất xuống. Số tiền đầu tư công cắt giảm, nếu chuyển sang cung ứng cho khu vực doanh nghiệp qua kênh ngân hàng sẽ mở rộng nguồn cung tín dụng, vừa giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn, vừa tạo cơ sở để hạ thấp lãi suất…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp rất quan trọng của khối doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn như thời gian vừa qua. Đối với những vấn đề đã được trình bày tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, đó là những ý kiến, kiến nghị rất thiết thực, Chính phủ cũng đang quan tâm đến và ở mức độ này hay khác đang được xử lý.

Hi vọng rằng, với sự quan tâm của Chính phủ và sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua thử thách, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khôi phục lại sức mạnh, chuẩn bị cho cuộc cất cánh đích thực.

Lan Hương