Gắn “sao” cho xe khách
(Dân trí) - Mức kinh phí 20 tỉ đồng được đề xuất trong Đề án Đổi mới quản lý vận tải đường bộ, được xem là mang tính tổng thể và dài hơi, nhằm giải quyết những bức xúc trong ngành vận tải hành khách bằng đường bộ.
Theo ông Quyền, đổi mới quản lý vận tải đường bộ là một nội dung mang tính tổng thể và dài hơi, song ngay trong năm 2013 và 2014 sẽ xác định những nội dung yếu kém, bức xúc nhất để tập trung giải quyết thật hiệu quả: Tập trung quản lý trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp, trách nhiệm lái xe; tập trung quản lý taxi, bến xe, trạm dừng nghỉ... thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại lực lượng vận tải, hướng tới cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Với việc quản lý vận tải hành khách, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ đối với từng loại hình kinh doanh, gồm: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách.
“Chúng ta không nên thực hiện cào bằng sự kiểm tra, giám sát giữa các đơn vị vận tải bởi làm như thế sẽ không thể quản lý được ai. Những doanh nghiệp xếp loại tốt (4-5 sao) nên khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nhân rộng đồng thời quản lý chặt đối với các đơn vị làm chưa tốt (1-2 sao)” - ông Quyền cho hay.
Nhà nhà làm vận tải
Số liệu báo cáo của Tổng cục Đường bộ cho thấy, trong hơn 10 năm qua, số lượng phương tiện kinh doanh đã tăng hơn 10 lần. Cả nước hiện có tới gần 103.000 xe khách và 620.000 xe tải các loại, với 2.681 doanh nghiệp, 586 Hợp tác xã và hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể.
Từ năm 2000, số hộ kinh doanh vận tải có bước phát triển nhanh chóng, đến nay chiếm 50% tổng số phương tiện. Theo khảo sát, có tới 60% các đơn vị vận tải khách tuyến cố định và gần 83% đơn vị vận tải khách theo hợp đồng chỉ có dưới 10 đầu xe/mỗi đơn vị.
“Đa số các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên việc quản lý các điều kiện về an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nhà xe tham gia vào lĩnh vực này đã làm nảy sinh nhiều mặt tiêu cực làm cho chất lượng không đồng đều, an toàn vận tải không kiểm soát mà các biểu hiện cụ thể là hiện tượng xe “dù”, bến “cóc”, “cơm tù”, chạy vòng vo bắt khách, chở quá tải…gây mất trật tự an toàn giao thông”- ông Bình nhìn nhận.
Cũng theo ông Bình, phần lớn các đơn vị vận tải nhỏ lẻ không thực hiện quản lý mà chỉ núp bóng doanh nghiệp, hợp tác xã dưới dạng đứng ra làm các thủ tục theo quy định đối với cơ quan quản lý thu phí dịch vụ như: thuê xe, mua thương hiệu đồng thời giao việc điều hành cho chủ hoặc lái xe đảm nhận. Mô hình này đang được áp dụng đa số ở các hợp tác xã vận tải...
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận công tác quản lý nhà nước, bộ máy, nhân sự quản lý lại yếu kém cả về số lượng và chuyên môn nghiệp vụ, chưa theo kịp được sự phát triển.
“Một điều tra của chúng tôi cho thấy có đến 16 Sở Giao thông Vận tải không có cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản làm trong lĩnh vực quản lý vận tải. Những đối tượng này đều làm trái ngành, trái nghề, đây là một thực trạng dẫn đến sự yếu kém trong quản lý hiện nay” - ông Bình cho biết.
Quỳnh Anh