1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khánh Hòa:

Gần 90 năm nghiên cứu Hải dương học ở Hoàng Sa, Trường Sa

(Dân trí) - “Việc nghiên cứu khoa học ở Hoàng Sa, Trường Sa đã chứng tỏ rằng, các nhà khoa học Việt Nam và trước đây là các nhà khoa học Pháp đã thực thi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trên các vùng biển, đảo của Việt Nam từ rất lâu”, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn.

Gần 90 năm nghiên cứu Hải dương học ở Hoàng Sa, Trường Sa
Phòng trưng bày "Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa" tại Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa),

Bằng chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Đến thăm Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa) những ngày này, du khách sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu khá chi tiết các bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ngay tại khuôn viên của Viện Hải dương học, hàng loạt bản đồ, hình ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày ngay ngắn để giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý trong số đó là tấm “Đại Nam nhất thống toàn đồ”, được vẽ năm 1834 dưới triều vua Minh Mạng. Trên tấm bản đồ này có ghi rõ “Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam”.

Cách đó không xa là căn phòng trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Tại đây, Viện Hải dương học đã trưng bày rất nhiều tư liệu, mẫu vật, hình ảnh có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

“Bản đồ Biển Đông do người Hà Lan vẽ năm 1754”
“Bản đồ Biển Đông do người Hà Lan vẽ năm 1754” khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Cụ thể như: “Các văn bản cử người đi khảo sát và quản lý Hoàng Sa của triều Nguyễn”, “Thuyền của đội Hoàng Sa thế kỷ 17-18” đã chứng minh Việt Nam đã có những hoạt động liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ xa xưa. Đáng chú ý nhất là “Bản đồ Biển Đông do người Hà Lan vẽ năm 1754” khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Sau khi xem xong các tư liệu lịch sử khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, anh Cao Văn Khanh (38 tuổi, quê Lâm Đồng) - chia sẻ: “Tôi thấy các bằng chứng về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam được trưng bày ở đây rất thiết thực và đa dạng. Trong hoàn cảnh Trung Quốc ngang ngược vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, những bằng chứng về Hoàng Sa, Trường Sa tại Viện Hải dương học càng khiến chúng tôi yêu quý biển đảo hơn”.

“Bản đồ Biển Đông do người Hà Lan vẽ năm 1754”
Du khách tìm hiểu các bản đồ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đang trưng bày tại Viện Hải dương học.

Điều đặc biệt, bên cạnh du khách trong nước thì không ít các đoàn khách quốc tế cũng thường xuyên đến Viện Hải dương học để tham quan, tìm hiểu các tư liệu, hình ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa đang trưng bày tại đây. Điều đó càng có ý nghĩa trong việc tuyên tuyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến bạn bè quốc tế.

Nghiên cứu Hải dương học ở Hoàng Sa, Trường Sa

Theo tài liệu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học và các cộng sự, sau khi ra đời vào năm 1922, Viện Hải dương học (tiền thân là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương) đã được định hình mục tiêu là: “Khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá thí nghiệm ở Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratly)…”.

Tiếp đó, với sự tham gia của tàu De Lanessan, Viện Hải dương học đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và thu thập thông tin xuống vịnh Thái Lan, vịnh Bắc Bộ, vươn ra các vùng khơi xa xôi ở quần đảo Hoàng Sa (1926), quần đảo Trường Sa (1927). Đi cùng với hoạt động này, Viện Hải dương học đã thiết lập hệ thống khảo sát định kỳ ở quần đảo Hoàng Sa.

Hàng loạt chuyến khảo sát được tổ chức đều đặn những năm sau đó với sự tham gia của nhiều tàu nghiên cứu. Theo đó, từ năm 1925 đến 1953 đã có 7 chuyến khảo sát tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nội dung khảo sát rất đa dạng, từ địa lý, địa chất, thủy văn động lực biển, cho đến sinh vật trên đảo và dưới biển, tiềm năng khai thác sử dụng tài nguyên.

Điều đặc biệt, con tàu nghiên cứu biển đầu tiên De Lanessan đã thực hiện hàng loạt chuyến nghiên cứu, khảo sát trên biển Việt Nam. Trong đó, có 4 chuyến nghiên cứu ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào năm 1925, 1926, 1931 và 1935.

“Bản đồ Biển Đông do người Hà Lan vẽ năm 1754”
Tàu De Lanessan, con tàu nghiên cứu biển đầu tiên ở Việt Nam (Ảnh chụp lại từ tư liệu Viện Hải dương học).  

Trong những năm 1980 đến 1993, Viện Hải dương học tiếp tục điều tra tổng hợp ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Sự kiện đáng quan tâm là Viện Hải dương học đã tổ chức thành công Chương trình: “Khảo sát nghiên cứu Khoa học biển và Hải dương học phối hợp Việt Nam - Philippines trên Biển Đông”. Qua đó nâng cao sự hiểu biết về các quá trình tự nhiên của môi trường và nguồn lợi biển trên Biển Đông, đặc biệt trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trao đổi với PV Dân trí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn khẳng định: “Việc nghiên cứu khoa học ở Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử của Viện đã chứng tỏ rằng, các nhà khoa học Việt Nam và trước đây là các nhà khoa học Pháp đã thực thi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trên các vùng biển, đảo của Việt Nam từ rất lâu. Điều đó đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam…”.

Cùng với đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh: “Các kết quả nghiên cứu có thể sử dụng cho các nghiên cứu khoa học tiếp theo và sử dụng cho các quan trắc về tài nguyên môi trường, cũng như góp phần cung cấp tư liệu phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền”.

Viết Hảo