1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Quảng Trị:

Gần 600 tấn hải sản tồn kho, "mắc kẹt" suốt 5 năm

Đăng Đức

(Dân trí) - Hàng trăm tấn hàng hải sản tẩm ướp tồn kho tại các cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, ruốc trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị suốt nhiều năm qua vẫn chưa được xử lý.

Ngày 24/3, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã ban hành văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Y tế tỉnh và UBND huyện Vĩnh Linh xây dựng phương án, thực hiện ngay việc tiêu hủy 600 tấn hải sản tẩm ướp tồn kho, bị hư hỏng trên địa bàn huyện này.

Số hải sản này trước đó đã được Sở Y tế Quảng Trị kiểm tra, xác nhận không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Lượng lớn hải sản nói trên tồn tại ở các cơ sở sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trên địa bàn.

Gần 600 tấn hải sản tồn kho, mắc kẹt suốt 5 năm - 1

Người dân gặp khó khăn do hải sản tồn kho qua nhiều năm chưa được tiêu hủy (Ảnh: Ngọc Vũ).

Được biết, 600 tấn hải sản kể trên được 6 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, ruốc trên địa bàn Vĩnh Linh thu mua, chế biến làm thực phẩm thời điểm sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Tuy nhiên, sau 5 năm kể từ khi Sở Y tế tỉnh Quảng Trị kiểm tra có kết quả xác nhận không đảm bảo, hải sản vẫn còn nằm trong các kho của các cơ sở chế biến.

Trong đó, cơ sở nước mắm Huỳnh Kế (ở khu phố An Du Đông 2, thị trấn Cửa Tùng) còn tồn kho 252,6 tấn mắm chợp nguyên liệu và 17 tấn ruốc thành phẩm; cơ sở nước mắm Khiêm Trọng (ở thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang) còn tồn 44,4 tấn mắm chợp nguyên liệu và sản phẩm ruốc; hộ bà Phan Thị Xiêm tồn hơn 61,2 tấn mắm chợp, hơn 1 tấn ruốc…

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, do khối lượng hải sản tẩm ướp bị hư hỏng của 1 trong 6 hộ sản xuất, kinh doanh kể trên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xác minh nguồn gốc, phân loại theo quy định nhưng kết quả chênh lệch so với khối lượng do Sở Y tế tỉnh này kiểm tra, dẫn đến việc tiêu hủy theo chỉ đạo của UBND tỉnh bị chậm.

Việc chậm tiêu hủy này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ kể trên, đồng thời môi trường sống của các gia đình này cũng như hàng chục hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng nặng.

Trước tình trạng trên, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục để tiến hành việc tiêu hủy hải sản tồn kho.