1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Gần 60% người dân ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm đồng ý di dời

(Dân trí) - Chính quyền TPHCM đã gặp gỡ hơn 300 hộ dân thuộc khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có gần 60% số hộ đồng ý với chính sách di dời của thành phố.

Ngày 30/7, trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ một số vấn đề liên quan đến giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Theo ông Phong, chính quyền đã gặp gỡ riêng từng người dân thuộc khu 4,3 ha được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Thủ Thiêm, để giải quyết khiếu nại về chính sách liên quan đến việc di dời.

Gần 60% người dân ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm đồng ý di dời - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trong một lần gặp gỡ người dân Thủ Thiêm (ảnh: Phạm Nguyễn)

Cụ thể, chính quyền quận 2 đã gặp 306 hộ (còn 19 hộ chưa lên gặp), trong đó gần 60% đồng ý với chính sách dự kiến mà thành phố đưa ra. Đối với những hộ đã đồng thuận, UBND TP sẽ trình lên HĐND TP để thông qua chính sách liên quan, giải quyết cho người dân.

Khu đất 4,3 ha được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đối với phần diện tích đất đã được quy hoạch cho giao thông toàn khu đô thị mới Thủ Thiêm đi qua khu vực 4,3 ha, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất giữ nguyên quy hoạch để phục vụ lợi ích chung. Phần diện tích đất còn lại được quy hoạch dành cho dịch vụ, thương mại và xây dựng chung cư. Chung cư này được sử dụng cho tái định cư.

Theo đó, UBND TP xây dựng chính sách đền bù thiệt hại về tinh thần và vật chất cho hơn 300 hộ dân được xác định trong khu vực 4,3 ha theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Khi được hỏi “TPHCM có đề xuất phương án thu tiền chênh lệch địa tô từ việc giao đất cho các nhà đầu tư để thu hồi tiền, tránh thất thoát cho ngân sách?”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: “Chưa trả lời được”.

Theo ông, thành phố phải chờ tổ công tác của Bộ Tài chính để có hướng giải quyết. Hiện, Bộ Tài chính đang thành lập tổ công tác để thẩm định các nội dung thành phố trình.

“Đối với Thủ Thiêm, thành phố làm theo quy trình, trước hết là chính sách bồi thường cho người dân. Từ đây đến cuối năm, thành phố làm việc liên tục và chờ ý kiến bộ, ngành liên quan”, ông Phong nói.

Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận thanh tra về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ ra hàng loạt sai phạm về kinh tế của chính quyền TPHCM. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định 26.315 tỷ đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên 4.286 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, UBND TP đã chấp thuận sử dụng quỹ đất sạch trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho các dự án BT (4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, Hạ tầng khu dân cư phía Bắc…) nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực chất là chỉ định nhà đầu tư) là không đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.

Trong đó, tính tiền sử dụng đất đối ứng để thanh toán cho các dự án BT không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định, cần phải xem xét, xác định lại để truy thu, tránh thiệt hại cho Nhà nước.

Mặc dù việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 4 tuyến đường chính chưa đúng quy định, nhưng UBND TP đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp trên 4.225 tỷ đồng, đã nộp 2.376 tỷ đồng, số còn lại đến nay chưa nộp trên 1.800 tỷ đồng, cần xem xét tính lãi chậm trả và thu hồi về ngân sách Nhà nước theo quy định.

Quốc Anh