Lào Cai:
Gần 400ha rừng trúc trên núi Phan Si Păng đang chết khô
(Dân trí) - Theo thông tin từ Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), hiện nay trên đường leo núi Phan Si Păng trên dãy Hoàng Liên có 379 héc ta rừng trúc đang bị chết khô, trong đó có 250 héc ta nằm trên độ cao 2.800 mét có nguy cơ cháy rất cao.
Trong một cuộc họp triển khai công tác của cơ quan gần đây, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên bày tỏ lo lắng sau khi ông cùng đoàn cán bộ của tỉnh đi kiểm tra thực địa và phát hiện một diện tích đáng kể rừng trúc khu vực gần đỉnh núi Phan Si Păng đang bị chết khô mà người dân thường gọi là trúc khuy.
Toàn cảnh khu vực đường lên đỉnh núi Phan Si Păng có hàng trăm héc ta rừng trúc đang tự chết khô.
Diện tích rừng chết khô nếu gặp mồi lửa sẽ gây cháy rừng dữ dội. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây cháy rừng Hoàng Liên bất cứ lúc nào, đe dọa toàn bộ vùng lõi của vườn quốc gia Hoàng Liên là nơi có nhiều loài động thực vật quý hiếm phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Công tác phòng chống cháy rừng hiện nay của Vườn quốc gia Hoàng Liên đang được đặt lên hàng đầu, đặc biệt vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, khi có đông du khách leo núi chinh phục đỉnh Phan Si Păng.
Theo các nhà bảo vệ thực vật, hiện tượng trúc khuy (trúc tự chết cả khóm) là thời kỳ cây trúc ra hoa kết thúc một chu kỳ sinh trưởng. Những nơi có điều kiện, khi trúc khuy người ta thường chặt bỏ cây, đào rễ gốc, khử vôi bột và trồng thay thế cây mới.
Phong cảnh rừng trúc cần câu tuyệt đẹp trên đường lên đỉnh núi Phan Si Păng.
Tuy nhiên việc làm này là bất khả kháng đối với diện tích hàng trăm héc ta trúc khuy ở núi Phan Si Păng do địa hình khó khăn, hiểm trở và nguồn tài chính không có; vì thế phải trông chờ vào sự tự phục hồi của rừng trúc này sau nhiều năm nữa.
Từ độ cao 2.200 mét trở lên đỉnh núi Phan Si Păng, ngút ngàn rừng trúc lùn quét trần và trúc cần câu tạo nên phong cảnh ngoạn mục nên thơ.
Phạm Ngọc Triển