1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Gần 40 năm qua con đập "tử thần"

(Dân trí) - Gần 40 năm nay, hơn 800 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu ở 2 thôn Tân Kiều và Hòa Phong (Nhơn Mỹ, An Nhơn, Bình Định) luôn phải đối diện với hiểm nguy mỗi khi đi qua con đập thủy lợi bằng cây cầu tạm không lan can.

Nằm dọc hạ nguồn sông Côn hùng vĩ, dù chỉ cách trung tâm xã chừng 2km nhưng người dân 2 thôn Tân Kiều và Hòa Phong phải đi đường vòng qua xã Nhơn Hậu mất rất nhiều thời gian. Việc không có cây cầu kiên cố bắc qua sông không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của hàng trăm hộ dân mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại đập thủy lợi Bình Thạnh từ năm 2005 đến nay đã có ít nhất 4 trường hợp té tử vong
Tại đập thủy lợi Bình Thạnh từ năm 2005 đến nay đã có ít nhất 4 trường hợp té tử vong

Đó là chưa kể đến những lúc ốm đau, bệnh tật, sinh đẻ,... phải lên Trạm Y tế xã, thị xã, người dân chỉ biết khóc ròng.

Khổ nhất là các em học sinh, để đến trường nằm ở trung tâm xã, thị xã, các em phải liều mình đi qua cây cầu tạm đơn sơ bắc qua sông hay đi qua đập thủy lợi ngăn nước.

Học sinh đi lại, nô đùa trên cầu tạm bợ không lan can, tiềm ẩn những hiểm nguy
Học sinh đi lại, nô đùa trên cầu tạm bợ không lan can, tiềm ẩn những hiểm nguy
Học sinh đi lại, nô đùa trên cầu tạm bợ không lan can, tiềm ẩn những hiểm nguy

Anh Nguyễn Thái Huy, một người dân sinh sống tại thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ, cho biết: “Mình sống ở đây từ nhỏ đến giờ, phải chứng kiến và đi qua cây cầu tạm hay qua con đập này nhiều lúc thấy cũng rùng mình. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa lũ lụt nước lớn đập tràn ai dám qua, đi qua cầu gỗ thì gió đung đưa sợ rớt xuống sống. Người dân ở đây mong muốn có một cây cầu nhỏ kiên cố để bà con đi lại, nhất là các cháu học sinh đi học đỡ khổ; người dân thu hoạch mùa màng thuận lợi cho vận chuyển và giảm chi phí phần nào…”.

Cũng theo anh Huy, từ năm 2005 đến nay đã có 4 người chết oan do đi qua đập bị té ngã xuống sông. Không ít người dân đi lại bằng xe máy, xe đạp qua đập té xuống sông bị nước cuốn trôi. Nguy hiểm nhất vẫn là các em học sinh đi học khi qua đập, cầu tạm nên tiềm ẩn những rủi ro.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Anh Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, cho biết: “Đây cũng là vấn đề nóng trong các cuộc tiếp xúc cử tri trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để xây dựng cầu vượt ngoài khả năng cho phép của địa phương. Mong rằng chính quyền cấp trên cùng các ngành liên quan sớm quan tâm hỗ trợ xây dựng một chiếc cầu nối liền hai bờ sông, để cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn”.

Đập thủy lợi Bình Thạnh là công trình được xây dựng để phục vụ cho tưới tiêu, cung ứng nước cho nhiều cánh đồng ở hạ nguồn sông Côn trên địa bàn thị xã. Vì vậy, không có chức năng về giao thông đi lại. Tuy nhiên, nhiều năm người dân 2 thôn Tân Kiều và Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ sử dụng con đập như một cây cầu để đi lại nên tiềm ẩn nguy cơ chết đuối, nhất là ở học sinh trên địa bàn.

Doãn Công