Gần 360ha cao su vẫn... vô chủ sau nhiều năm
(Dân trí) - Gần 360ha cao su tươi tốt đang kỳ cho mủ mọc trên đất rừng ở Gia Lai không có ai nhận là chủ. Trong lúc chờ cơ quan chức năng điều tra, chủ rừng đang phải ngày đêm bảo vệ.
Ngày 25/6, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (huyện Chư Prông Gia Lai) cho biết, gần 360ha cao su phát triển xanh tốt trên đất rừng vẫn chưa có ai đứng ra nhận. Chủ rừng đang rất vất vả để giám sát, bảo vệ.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, cho biết: "Trên lâm phần của ban quản lý có gần 360ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây cao su. Những cây cao su có tuổi đời hàng chục năm nhưng không ai đứng ra nhận.
Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh cách đây 3-4 năm nhưng vẫn chưa tìm ra chủ nhân của vườn cao su. Do lâm phần nằm trong diện tích của ban nên chúng tôi luôn phải cắt cử lực lượng ngày đêm canh giữ rất vất vả. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm phản hồi và có hướng xử lý đối với vườn cao su vô chủ này".
Theo ghi nhận của phóng viên, gần 360ha cao su này được trồng nhỏ lẻ thành từng đám, xen kẽ với nương rẫy của người dân hoặc đất rừng tự nhiên. Vườn cao su thường xuyên được chăm sóc, cây cối xanh tốt đang đến vụ thu hoạch. Lợi dụng đêm tối, một số cá nhân thường lén lút vào khai thác mủ.
Ông Phùng Ngọc Anh, nhân viên quản lý bảo vệ rừng, cho biết: "Ngoài việc bảo vệ cánh rừng tự nhiên được giao quản lý, chúng tôi phải thường xuyên đi tuần tra gần 360ha rừng cao su "vô chủ" này. Buổi đêm một số người dân thường lén vào khai thác trộm mủ về bán".
Như Dân trí thông tin, năm 2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chỉ rõ những sai phạm, hạn chế tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch trong quá trình sử dụng đất lâm nghiệp. Qua kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện có 110 hộ gia đình có hành vi lấn chiếm đất rừng làm nhà ở, vườn với diện tích hơn 12ha.
Ngoài ra, qua rà soát về các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, đoàn thanh tra đã phát hiện, năm 2008-2019, đã có hơn 868ha rừng tự nhiên bị người dân lấn chiếm đất để làm nương rẫy, khoảng 360ha bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cao su. Tổng diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá lấn chiếm năm 2008 -2019 là hơn 1.200ha.