Nghệ An:
Hủy diệt rừng cao su để tìm cổ vật
(Dân trí) - Từ hơn 1 tháng nay, tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An (khu di chỉ làng Vạc) đang nóng lên phong trào săn tìm cổ vật. Hàng trăm người dân đã đổ xô về đây đào bới, tấn công cả bảo vệ nông trường.
Chỉ sau một đêm, hàng trăm gốc cao su đang vào mùa lấy mủ của nông trường Đông Hiếu đã bị những người săn tìm cổ vật tận diệt, cảnh tượng hoang tàn như vừa bị đánh bom.
Đổ xô đi tìm cổ vật
Phải nói rằng, câu chuyện trúng cổ vật ở làng Vạc có sức lan tỏa chẳng khác gì những tin đồn về mấy tay tìm trầm trúng đậm kỳ nam tại Quảng Nam. Qua truyền miệng, một đồn mười, mười đồn trăm, vấn đề thời sự nhất ở khu nông trường Đông Hiếu hiện nay là cổ vật.
Theo tin đồn, chúng tôi lên xe đò về trung tâm huyện lỵ Nghĩa Đàn, tiếp tục bắt xe ôm hơn 5 cây số để tận thấy di chỉ làng Vạc trong “mùa đào bới cổ vật.” Dọc đường đi, đâu đâu người ta cũng nhắc đến cổ vật.
Có mặt tại hai xã Nghĩa Hòa và Đông Hiếu, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm hố khai quật sâu hoắm còn tươi dấu đất đỏ. Có nhiều hố dường như vẫn còn ấm hơi người, hình như những kẻ săn tìm cổ vật vừa bỏ đi chưa lâu, trước khi cơ quan chức năng vào cuộc truy quét quyết liệt.
Phóng xa tầm mắt, xen lẫn trong màu đất đỏ lô nhô là hàng trăm gốc cao su 15 năm tuôi bị chặt trụi rễ, đánh bật gốc đang ứa ra những giọt máu trắng. Quang cảnh một nông trường cao su xanh tốt đang vào mùa lấy mủ bỗng trở nên hoang tàn nhưng vừa trải qua một trận oanh kích bằng bom tấn.
Nơi chúng tôi đang đứng chỉ cách trung tâm thị trấn Thái Hòa chừng 5km, đó là lô cao su số 2 và số 3 thuộc nông trường Đông Hiếu. Mấy hôm trước, tại đây đã có khoảng 200 người dân địa phương đến đào bới trên diện tích hơn 1ha để tìm cổ vật.
Hàng trăm cây cao su đang tuổi khai thác bị đào trốc gốc.
(Ảnh: Trần Đức)
Anh Hoàng Thái Sơn - thành viên đội bảo vệ cho biết: “Nạn đào bới cổ vật tại đây đang ngày càng trở nên hỗn loạn và khó kiểm soát, đặc biệt gây hoang mang cho nông trường, trực tiếp là những người làm bảo vệ. Bên cạnh đó, chưa nói đến việc di chỉ văn hóa làng Vạc bị xâm hại, thiệt hại kinh tế trước mắt là hết sức nghiêm trọng.”
Sau một thời gian rộ lên nạn đào phá trong rừng cao su của nông trường, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiên quyết hơn. Thế nhưng ma lực của cổ vật khiến người dân địa phương bất chấp lệnh cấm, vẫn lén lút đào trộm vào ban đêm. Theo những người dân ở đây, thời gian những người đào cổ vật hoạt động mạnh nhất thường vào lúc nửa đêm về sáng. Lực lượng bảo vệ hiện nay chỉ có thể đẩy đuổi vào ban ngày, về đêm do lực lượng mỏng nên khi truy đuổi đã bị ném đá, thậm chí bị đánh trả lại.
Những người đào trộm cổ vật thậm chí còn ngang nhiên đánh trọng thương người nhà của một chủ lô cao su (vì lý do an toàn chúng tôi không tiện nêu tên) khi họ thực hiện việc truy đuổi những người đào trộm ra khỏi lô cao su của gia đình mình.
Hàng trăm cây cao su hơn 10 năm tuổi, đang trong thời kì khai thác mủ đã bị những kẻ đào cổ vật xới lên, khoét rễ, trốc gốc. Nhìn những cây cao su màu mỡ đang ứa nhựa lênh láng rồi khô dần, một chị công nhân lấy mủ cao su mắt ngân ngấn nước thở dài: “Cổ vật cổ viếc chi tui chưa hề thấy, chỉ biết mùa ni nhà tui mấy mẹ con chắc là chết đói vì hụt khoán mủ với nông trường”.
Nhiều người đào được đồ đồng di chỉ làng Vạc?
Khu di chỉ làng Vạc là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia, được Bộ VH-TT cấp bằng công nhận năm 1999. Theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ, khu 1 của di chỉ thuộc xã Nghĩa Hòa, khu 2 thuộc xã Đông Hiếu.
GS. Hoàng Xuân Chính - Viện Khảo cổ học Việt Nam, đã từng đánh giá: Làng Vạc là một di tích cư trú - mộ táng văn hóa Đông Sơn có vị trí quan trọng vào bậc nhất nhì nước ta. Qua 5 lần khai quật đã tìm thấy 437 ngôi mộ cổ; 1.228 hiện vật (dao, kiếm, trống đồng, rìu đá). |
Tận thấy hàng trăm cây cao su đến thời kỳ thu hoạch bị triệt phá và những hố khai quật còn tươi rói màu đất đỏ, rõ ràng việc người dân đổ xô đi đào cổ vật làng Vạc không còn là tin đồn nữa. Và chúng tôi đã đi tìm các “đại gia” đồ cổ trong vùng để hiểu hơn ma lực nào đã khiến hàng trăm người dân địa phương nỡ tay đào phá những cây cao su do chính những người thân quen xóm giềng của mình trồng để tìm cho được những “món đồ cổ”.
Trước đây, khi nạn đào bới tìm cổ vật rộ lên, khu vực bị đào xới nặng nhất thuộc nông trường Đông Hiếu (xã Đông Hiếu). Chính quyền huyện Nghĩa Đàn đã phải ra chỉ thị tăng cường kiểm tra, bảo vệ. Công an huyện Nghĩa Đàn cử 3 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng dân quân tuần tra 24/24h. Một số đối tượng khai thác trái phép đã bị bắt và xử phạt hành chính, tình hình khai thác trộm cổ vật tạm thời được vãn hồi trong một thời gian, gần đây lại bỗng nhiên rộ lên.
Theo nguồn tin đồn đại tại thị trấn Thái Hòa thì hình như có nhiều người dân ở xã Nghĩa Hòa đã đào được một số cổ vật bằng đồng của di chỉ làng Vạc. Qua tìm hiểu được biết, khu vực người dân khai thác mạnh nhất hiện nay nằm cách vùng cắm mốc khoảng 1 km, tuy nhiên, vẫn năm trong vùng di chỉ làng Vạc.
Trong vai người đi tìm mua cổ vật, chúng tôi về Nghĩa Hòa và Đông Hiếu những mong “nhanh tay hơn người” hy vọng kiếm được một món đồ cổ thời kỳ Đông Sơn. Tuy nhiên, lần này lời đồn vẫn là lời đồn bởi thông tin về nhà ông A, anh B… đang có đồ cổ đã không được họ xác nhận.
Một số người dân địa phương cho biết, nếu họ thực sự trúng đồ cổ thì cũng không đến tay chúng tôi bởi ở đây đã có hẳn những đường dây thương lái móc nối rất chặt chẽ với nhau từ Hà Nội, Sài Gòn - Vinh - Nghĩa Đàn. Khi đánh hơi thấy mòn đồ cổ, những cổ vật này sẽ được trả tiền ngay và lập tức “biến mất” khỏi nơi nó vừa được khai quật lên theo con đường đi riêng của đồ cổ!
Trở lại thị trấn Thái Hòa, chúng tôi được biết, những giao dịch về đồ cổ thường hiếm khi diễn ra tại Nghĩa Hòa và Đông Hiếu. Tại trung tâm huyện lỵ này đã có một đường dây mua bán cổ vật hoạt động rất tinh vi, với quy mô lớn. Khi có những món đồ quý, nó sẽ được chuyển đến tay các đầu nậu và tìm đường ra khỏi biên giới Việt Nam.
Theo đại uý Hồ Công Sơn - Công an huyện Nghĩa Đàn, tình hình đào trộm và buôn bán cổ vật tại đây vẫn rất khó kiểm soát, hết sức phức tạp và chưa ngăn chặn được triệt để.
Trần Đức