Gia Lai
Hàng trăm hecta cao su vô chủ trên đất rừng: Con voi chui lọt lỗ kim
(Dân trí) - Hàng trăm hecta cây cao su "vô chủ" trồng trên đất rừng đã khiến cơ quan chức năng khó xử lý. Dù không có ai đứng ra nhận sở hữuu nhưng diện tích cao su trên vẫn đang bị khai thác trái phép.
Kết luận Thanh tra tỉnh Gia Lai năm 2019 đã chỉ rõ những sai phạm, hạn chế tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (BQL RPH Ia Puch) trong quá trình sử dụng đất lâm nghiệp. Qua kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện có 110 hộ gia đình có hành vi lấn chiếm đất rừng làm nhà ở, vườn với diện tích hơn 12 ha.
Đặc biệt, qua rà soát về các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, đoàn thanh tra đã phát hiện, từ năm 2008-2019, đã có hơn 868 ha rừng tự nhiên bị người dân lấn chiếm đất để làm nương rẫy, khoảng 360 ha bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cao su. Tổng diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá lấn chiếm từ năm 2008 -2019 là hơn 1.200 ha.
Về vấn đề này, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ liên quan đến BQL RPH Ia Puch về hành vi "Thiếu trách nghiệm công tác quản lý, bảo vệ rừng" khi để mất hơn 1.200 ha rừng sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ.
Từ đó đến nay, hơn 360 ha cây cao su mọc trên đất rừng vẫn đang xanh tốt và đến tuổi thu hoạch. Diện tích cây cao su "vô chủ" vì chưa có một cá nhân nào đứng dám đứng ra nhận. Thế nhưng rất kỳ lạ là vườn cao su này vẫn được chăm sóc chu đáo, trồng thành hàng lối và đang có một số người lạ có hành vi thu hoạch mủ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Vũ - Trưởng BQL RPH Ia Puch (huyện Chư Prông, Gia Lai) cho biết: Hơn 360 ha rừng bị một số doanh nghiệp lấn chiếm thuộc 9 tiểu khu để trồng cao su. Lâm phần này do đơn vị quản lý. Trong số 360 ha thì có 200 ha diện tích cao su xanh tốt và đang ở giai đoạn thu hoạch. Hiện nay, diện tích cao su đã đạt đường kính từ 20 cm đến 30 cm.
Hàng trăm diện tích cao "vô chủ" này đã khiến các nhân viên, cán bộ thuộc BQL RPH Ia Puch đang vất vả trong công tác quản lý, bảo vệ. Lợi dụng thời gian đêm tối, một số người dân ở các địa phương khác được thuê để khai thác mủ.
"Mình là đơn vị chủ rừng nhưng khó quản lý bởi diện tích cao su đó không biết ai là chủ. Vấn đề này, Ban đã có nhiều văn bản đề xuất cơ quan chức năng sớm có phương án giải quyết. Hiện có một số người dân có hành vi khai thác, cạo mủ nhưng không xác định được đơn vị nào. Qua dò hỏi, họ nói rằng từ địa phương khác, được thuê qua cạo mủ", ông Vũ nói.
Từ năm 2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh Gia Lai) đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can Nguyễn Thị Hương và Phan Quốc Huy (là các giám đốc BQL RPH rừng Ia Puch trong các giai đoạn từ 2008 đến 2012) để điều tra tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo đại diện UBND huyện Chư Prông cho biết:, địa phương đang phối hợp với các ngành của tỉnh để phối hợp để làm rõ vụ việc. Địa phương cũng mong các cơ quan chức năng của tỉnh sớm giải quyết dứt điểm để công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Qua công tác kiểm tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã ghi nhận hàng nghìn diện tích rừng tại các ban quản lý bị xâm hại. Việc để hơn 360 ha cây cao su trồng trái phép trên đất rừng là minh chứng cho việc "con voi chui lọt lỗ kim" trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vụ việc này đã trải qua nhiều "đời" lãnh đạo của BQL RPH Ia Puch nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.