Gần 30.000 tỷ vốn đầu tư công "mắc kẹt", Thủ tướng muốn tìm ngay giải pháp
(Dân trí) - 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương để đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công, song kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm vẫn thấp.
Thực tế này được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, sáng 16/7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Nhấn mạnh Việt Nam đang ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng khẳng định ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đầu tư, trong đó có đầu tư công.
Cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư, gồm đầu tư trong nước và ngoài nước, trực tiếp và gián tiếp, đầu tư công, theo người đứng đầu Chính phủ.
Ông nhắc lại kết luận của Trung ương là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển. Việc này, theo Thủ tướng, hướng đến mục tiêu năm 2025 Việt Nam có 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.
Song song với đó là nhiệm vụ đầu tư tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội khác.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Nhưng bên cạnh những việc đã làm tốt, những địa phương, cơ quan, lĩnh vực đạt kết quả tích cực, Thủ tướng lưu ý kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 vẫn thấp.
Trong đó, có 60/107 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, gồm 32/44 bộ, cơ quan Trung ương và 28/63 địa phương; tỷ lệ giải ngân vốn ODA cũng còn chậm và không được khắc phục.
Vì vậy, cần phân tích kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc, "điểm nghẽn". Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, cần làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt, từ đó xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công.
Đặt câu hỏi "Tại sao đến nay còn hơn 29.000 tỷ đồng chưa phân bổ được", Thủ tướng cho rằng cần bàn kỹ để đưa ra giải pháp gì mang tính đột phá từ nay đến cuối năm.
Ông đặt vấn đề nên xem xét với cơ quan, đơn vị không giải ngân tốt, có thể thu hồi lại để phân bổ vào những công trình trọng điểm có điều kiện giải ngân tốt để góp phần giải quyết khó khăn cho các ngành.
"Năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng", Thủ tướng yêu cầu.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là gần 670.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 236.915 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 432.348 tỷ đồng.
Đến ngày 10/7, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 95,5% kế hoạch.
Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là gần 30.000 tỷ đồng (chiếm 4,4% kế hoạch Thủ tướng giao).
Theo đánh giá, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%).
Số lượng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao (33 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương); tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp; tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn thấp…