1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hương Sơn - Hà Tĩnh:

Gần 25 tỷ đồng tiền cứu trợ bị sử dụng sai mục đích

(Dân trí) - Trận lũ quét lịch sử tháng 9/2002 đã gây thiệt hại thảm khốc về người và tài sản ở một địa phương miền núi vốn đã nghèo khó - huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Trong khi cả nước cùng hướng về với nghĩa cử “sẻ cơm nhường áo” thì một số “công bộc” ở đây lại lợi dụng cơ hội này để “làm xiếc” với số tiền 24,4 tỷ đồng và 1.300 tấn lương thực cứu trợ cho dân.

Sử dụng sai mục đích…

Ngày 10/10/2002, ông Nguyễn Khắc Thứ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn ra Quyết định số 784/QĐ-UB phân bổ số tiền chính sách xã hội 3,567 tỷ đồng cho Phòng Tổ chức, Lao động, Thương binh và xã hội (TC - LĐTBXH) và 1,8 tỷ đồng cho Phòng Tài chính - Kế hoạch (TCKH) để cấp cho các xã trong vùng (tổng số tiền là 5,367 tỷ đồng).

Thế nhưng con số tại Phòng TCKH cho thấy tổng số tiền trên chỉ được ông Phan Cao Oánh, Trưởng phòng TCKH sử dụng 1,566 tỷ đồng là chi đúng mục đích cho chính sách xã hội. Số tiền còn lại là 3,8 tỷ đồng chuyển sang chi mục đích khác.

Việc làm này thể hiện sự sai phạm, cố ý làm trái với quy định của Luật Ngân sách nhà nước bởi khi kiểm tra hồ sơ thanh toán tại Phòng TCKH và Phòng TC - LĐTBXH cho thấy số tiền gần 2 tỷ đồng chuyển cho các xã đã được sử dụng nhưng chưa hề có chứng từ duyệt thanh toán (!?).

Cụ thể tại xã Sơn Trung, nguồn chính sách xã hội được cấp là 251 triệu đồng nhưng chỉ sử dụng 71,95 triệu đồng, số còn lại (179 triệu đồng) chi vào mục đích khác. Tại xã Sơn Châu, số tiền chính sách được cấp là 103.000.000 đồng nhưng thực tế chi cho đúng mục đích chỉ 22.917.000 đồng. Tại xã Sơn Bằng, nguồn chính sách xã hội được cấp là 161 triệu đồng nhưng thực chi đúng mục đích là 65 triệu đồng, số còn lại xã đã dùng trả nợ và chi tiêu.

Đặc biệt, tại thị trấn Phố Châu, số tiền tiếp nhận là 173 triệu đồng nhưng thực chi đúng mục đích chỉ là 35,8 triệu.

Cũng tại Quyết định số 784, UBND huyện Hương Sơn đã phân bổ nguồn kinh phí khắc phục lụt bão với số tiền 1 tỷ đồng để xây dựng đường Trung tâm Thương mại và cầu Bà Toàn. Trên thực tế những công trình này không hề bị ảnh hưởng hoặc hư hỏng gì.

Vì vậy, BQL công trình (Bên A) đã “giải ngân” bằng cách chi 200 triệu đồng làm đường Huyện đội và 200 triệu đồng làm đường mương thị trấn. Số 600 triệu đồng còn lại đã rút ra chi sử dụng trái với phân bổ, trong đó có 76 triệu đồng chi cho việc “giao dịch”.

Nếu như ông Oánh và các "anh em" thả tay chi tiêu tiền cứu trợ lụt bão của nhân dân một cách vô tội vạ thì ông Nguyễn Khắc Thứ cũng sẵn sàng qua mặt các cơ quan chức năng để làm bừa.

Mặc dù con đường nội thị tại thị trấn Phố Châu đã được BQL Dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GT-VT) đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và cấp đầy đủ kinh phí tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng khi có tiền cứu trợ, ông Thứ vẫn thẳng tay ký quyết định rút 1 tỷ đồng để thanh toán tiền đền bù GPMB thêm lần nữa.

Số liệu tại Ban GPMB huyện cho thấy số tiền 870 triệu đồng vẫn đang “treo”. Còn 130 triệu đồng thì đã được hợp thức hoá đền bù lần 2 cho 25 hộ dân tại xã Sơn Trung.

Xác minh tại BQL các dự án, được biết UBND huyện đã phân bổ 4,2 tỷ đồng để xây dựng 8 công trình sau lũ. Đến nay BQL các dự án vẫn cố tình thả nổi, không chịu làm thủ tục thẩm định quyết toán công trình. Vậy nên khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra sẽ rất khó xác định việc thất thoát vốn trong xây dựng cơ bản.

…và gây thất thoát

Ngày 22/10/2002, ông Nguyễn Khắc Thứ tiếp tục ký Quyết định số 819 QĐ/UB chỉ định thầu và ký hợp đồng số 1553/HĐKT (25/10/2002) với Công ty thiết bị giáo dục I (Bộ GD-ĐT) mua sắm một số thiết bị giảng dạy và học tập cho các trường bị thiệt hại sau lũ với số tiền lên tới 510 triệu đồng. Hồ sơ tại Phòng TCKH cho thấy nhiều bất cập trong vấn đề thủ tục.

Ví như với cương vị Chủ tịch UBND huyện, ông Thứ “ôm” liền nhiều nội dung: vừa ký cấp phát tài chính, ký hợp đồng mua bán, vừa thanh lý hợp đồng và cũng chính ông Thứ lại là người đứng ra giám sát.

Còn ông Phan Cao Oánh (Trưởng Phòng TCKH) được ông Thứ ưu ái giao từ việc đi mua vật tư đến tham mưu chỉ định thầu, trình xin thẩm định giá... Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc quản lý tài chính.

Điều đáng nói ở đây là bản hợp đồng kinh tế được ông Thứ ký ngày 25/10/2002 (thanh lý ngày 11/11/2002, thanh toán ngày 22/11/2002) nhưng đến gần một tháng sau (ngày 13/11/2002) Sở tài chính - Vật giá mới có báo giá.

Tương tự, ông Thứ và ông Oánh cũng đã dùng cách này để mua hàng loạt thiết bị nông nghiệp, máy bơm, máy vi tính... cho các xã với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Số liệu tại Phòng Công thương và BQL các dự án đầu tư và xây dựng cho thấy, ngày 23/1/2003 UBND huyện Hương Sơn đã phối hợp với Viện Kinh tế (Đại học Kinh tế TPHCM) tổ chức cuộc Hội thảo “Hướng phát triển Thương mại, dịch vụ, du lịch huyện Hương Sơn trong xu thế hội nhập AFTA”.

Mặc dù Hội thảo chỉ xảy ra đúng trong 1 ngày với 5 khách lưu trú nhưng tổng chi phí cho toàn bộ cuộc Hội thảo này lên đến 81,5 triệu đồng. Để có được số tiền này ông Thứ đã chỉ đạo Phòng Công thương và BQL các dự án đầu tư và xây dựng cùng thực hiện dự trù kinh phí.

Cả 2 bản dự trù “đặc biệt” này đều được ông Oánh ký duyệt chi. Để tránh sự giám sát chế độ chi tiêu của Kho bạc nhà nước, ông Thứ đã thận trọng phê “Chuyển về tài khoản BQL các dự án”. Thực tế chi phí cho cuộc Hội thảo này chỉ có 6 triệu đồng nhưng các khoản vé máy bay lên tới 29 triệu đồng, thuê phòng nghỉ 10,5 triệu đồng, tham quan 30 triệu đồng...

Bên cạnh việc thanh tra của các cơ quan kiểm toán, ngày 7/6/2004 Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có thông báo số 78/CAT (PC 15) kết quả xác minh về việc sử dụng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Hương Sơn và khẳng định là có sai phạm nhưng đến nay vẫn không thấy xử lý (?!).

Ngày 12/7/2005, làm việc tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Hà Văn Thạch, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch tỉnh đã hết sức bất ngờ với những con số thể hiện trong bản thông báo của Phòng CSKT.

Ông Thạch thẳng thắn: “Việc sử dụng sai phạm nguồn kinh phí lũ lụt ở Hương Sơn tôi có nghe đến. Nhưng nếu quả thực nghiêm trọng như bản báo cáo này (Báo cáo số 78/CAT - PV) thì phải xử lý ngay. Quả thực, cho đến nay UBND tỉnh chưa nhận được báo cáo của Công an tỉnh”.

Đại tá Trần Văn Lợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh lại cho biết, vụ việc xác minh những sai phạm trong vấn đề sử dụng tiền cứu trợ lũ lụt ở Hương Sơn giai đoạn đầu do ông trực tiếp chỉ đạo nhưng sau đó ông phải đi học nên khi trở về chưa thấy anh em báo cáo lại.

Theo ông Lợi, sắp tới ông sẽ giao Phòng CSKT tiếp tục điều tra làm rõ. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ truy cứu theo pháp luật.

Thái Anh