Gia Lai:

Gần 2.000 cây cà phê bị chặt phá trong đêm

(Dân trí) - Ngày 9/5, UBND xã Ia Băng (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) cho biết, đang phối hợp với công an huyện điều tra vụ chặt phá gần 2.000 cây cà phê.

Trước đó, đêm 6/5, người dân làng O Ngó, xã Ia Băng phát hiện khoảng 2.000 cây cà phê chung của làng đã bị kẻ gian chặt hạ. Tại hiện trường, hàng ngàn cây cà phê nằm ngổn ngang, lá vẫn xanh. Trong số này, nhiều cây đã ra trái. Qua nhìn bằng mắt thường, gần 2.000 cây cà phê được chặt bằng một vật sắc.

Gần 2.000 cây cà phê bị chặt phá trong đêm - 1

Vườn cà phê bị kẻ gian chặt trong đêm

Ông Sit (Già làng thôn O Ngó, xã Ia Băng) cho biết: “Đây là diện tích cà phê chung của làng, được trồng cách đây khoảng 3 năm. Bà con bỏ bao công sức để chăm sóc, bón phân mong đến ngày thu hoạch để lấy tiền sử dụng vào những việc chung của làng; số tiền dư sẽ hỗ trợ cho bà con vay vốn, phát triển sản xuất. Nhưng chỉ qua một đêm, vườn cây gần 2.000 cây bị chặt sạch, dân làng ai cũng tiếc”.

Gần 2.000 cây cà phê bị chặt phá trong đêm - 2
Người dân xót xa trước 2.000 cây cà phê bị chặt trong đêm

Dẫn chúng tôi ra vườn cây bị kẻ gian chặt, ông Pyơng (Trưởng thôn O Ngó) nói: “Trước đây, diện tích đất thuộc sở hữu của dân làng O Ngó. Đến năm 1984, Công ty Cao su Mang Yang đã đến làng vận động người dân góp đất, công ty góp vật tư, kỹ thuật để trồng cao su. Sau đó, người dân sẽ được nhận làm công nhân của công ty. Tuy nhiên, sau đó công ty cà phê đã sang nhượng lại diện tích cao su cho ông T. Khi ông T. chặt cao su đi thì người dân đòi lại đất và trồng cà phê. Chính vì vậy, thời gian qua giữa dân làng và ông T. đã xảy ra tranh chấp đất”.

Gần 2.000 cây cà phê bị chặt phá trong đêm - 3
Sau 3 năm chăm sóc, nhiều cây cà phê đang cho ra quả lớn

Ông Phạm Quý Thành - Chủ tịch UBND xã Ia Băng cho biết: “Sau khi xảy ra vụ việc cà phê bị chặt hạ người dân không báo với chính quyền địa phương. Qua nắm thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an xã xác minh và báo với Công an huyện Đắk Đoa để xử lý.”.

Gần 2.000 cây cà phê bị chặt phá trong đêm - 4
Hiện trường để lại có vết chặt bằng vật sắc

“Về việc tranh chấp đất của người dân và ông T. đã xảy ra nhiều năm nay. Ông T. mua lại diện tích cao su của Công ty Cao su Mang Yang. Sau đó, ông T. chặt để tái canh thì người dân lấn chiếm, đòi đất với lý do “đất của cha ông để lại”. Việc tranh chấp này đã diễn ra nhiều năm, chính quyền xã đã báo lên cấp trên để có hướng xử lý. Hiện nay, vẫn còn khoảng hơn 10ha đang xảy ra tranh chấp giữa người dân làng O Ngó và ông T.”, ông Thành cho biết thêm.

Phạm Hoàng