Quảng Nam:
Gần 1,4 triệu m3 cát nạo vét từ sông Cổ Cò "ế chỏng chơ"
(Dân trí) - Gần 1,4 triệu m3 cát nạo vét từ sông Cổ Cò (Hội An) được bán đấu giá trong 2 năm qua nhưng không có doanh nghiệp nào tham gia vì giá quá cao. UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tiếp tục tổ chức đấu giá.
Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt phương án quản lý, thu hồi, bán đấu giá nguồn vật liệu cát dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, thành phố Hội An.
Theo quyết định này, khối lượng cát được tổ chức đấu giá theo thiết kế gần 1,4 triệu m3. Số cát này được nạo vét từ lòng sông Cổ Cò, thuộc địa bàn thành phố Hội An.
Giá cát được Sở Tài chính thẩm định, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt giá khởi điểm là 144.000 đồng/m3 để có căn cứ tổ chức đấu giá.
Sau khi được tỉnh phê duyệt giá khởi điểm vào năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (Ban Giao thông) đã lựa chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá và ký hợp đồng dịch vụ với Công ty đấu giá hợp danh Quảng Việt (QAC) thực hiện bán đấu giá.
Qua 2 lần thông báo bán đấu giá, không có cá nhân hay tổ chức nào đăng ký tham gia đấu giá. Do đó việc tổ chức bán đấu giá số lượng gần 1,4 triệu m3 cát không thành.
Từ đó đến nay, số lượng cát vẫn còn nằm ở các bãi chứa dọc 2 bên bờ sông Cổ Cò, đoạn chảy qua thành phố Hội An và giáp với thị xã Điện Bàn.
Theo quan sát của phóng viên từ trên cầu Nguyễn Duy Hiệu (nối thành phố Hội An với thị xã Điện Bàn), nhiều bãi cát lớn vẫn nằm "chỏng chơ", nhiều chỗ cỏ mọc che kín.
Theo một doanh nghiệp đang thi công dự án san lấp mặt bằng trên địa bàn, sở dĩ khối lượng cát khổng lồ này nằm mấy năm nay không có tổ chức hay cá nhân nào tham gia đấu là do giá quá cao.
Doanh nghiệp này cho biết, cát nạo vét ở sông Cổ Cò là cát tạp, có nhiều bùn đất, chất hữu cơ... Loại cát này chỉ phù hợp với các công trình san lấp, tôn nền. Tuy nhiên giá khởi điểm đấu giá 1m3 cát lên đến 144.000 đồng là quá cao, thậm chí còn cao hơn cát xây dựng được mua tại mỏ tại huyện Đại Lộc.
Một nguyên nhân khác được xác định gần 1,4 triệu m3 cát bị "ế" là do khối lượng cát đấu giá một lần quá lớn, sau khi trúng đấu giá, đơn vị trúng phải nộp ngay một khoản tiền lớn (khoảng 200 tỉ đồng) nên hạn chế đơn vị đăng ký tham gia, do không đủ khả năng tài chính.
Để tháo gỡ nút thắt này, đầu tháng 5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp bàn việc bán số cát này.
Tại cuộc họp này, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu Ban Giao thông tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện việc bán đấu giá cát sau nạo vét dự án theo nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao vào năm 2021.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu khẩn trương rà soát lại các nội dung chưa phù hợp (nếu có) trong phương án đấu giá đã duyệt để hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục liên quan theo quy định.
Đồng thời nghiên cứu việc có thể phân chia khối lượng bán đấu giá theo từng điểm bãi chứa, hoặc theo lô, bán nhiều đợt để tổ chức bán đấu giá đảm bảo tính khả thi, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế phương án đấu giá đã duyệt.
Về giá khởi điểm, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giao Ban Giao thông làm việc với đơn vị tư vấn khảo sát thị trường, xác định giá và ban hành Chứng thư thẩm định giá khởi điểm đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành về thẩm định giá và các quy định có liên quan.
Đồng thời với việc tổ chức bán đấu giá, Ban Giao thông có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng cát sau nạo vét của dự án để phục vụ các công trình đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
"Trường hợp đã tổ chức đấu giá tiếp nhưng vẫn không thành, Ban Giao thông có trách nhiệm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp cụ thể thực hiện bán đấu giá vật liệu (cát) trong thời gian đến để trình cấp thẩm quyền xin ý kiến tổ chức thực hiện theo quy định", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ.