Phó Thủ tướng thị sát mỏ cát phục vụ xây cao tốc Bắc - Nam
(Dân trí) - Thị sát mỏ cát san lấp trên sông Hậu (Vĩnh Long), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã lắng nghe nhiều ý kiến trăn trở của người dân. Ông cam kết Nhà nước sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Sáng 11/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có chuyến khảo sát mỏ cát san lấp trên sông Hậu (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Đây là mỏ cát cung cấp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với tổng trữ lượng hơn 2,5 triệu m3.
Sau hơn 30 phút khảo sát, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao đổi với người dân khu vực khai thác cát sông trên địa bàn huyện Trà Ôn để tìm hiểu thông tin về nguồn vật liệu phục vụ xây dựng đường bộ cao tốc cũng như trăn trở của người dân nơi đây.
Theo Phó Thủ tướng, nếu miền Tây có thêm các tuyến cao tốc kết nối vùng xa, vùng sâu đến gần trung tâm, sẽ giúp các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của người dân được tiêu thụ dễ dàng hơn.
Với lo ngại của người dân về việc khai thác cát sẽ xảy ra sạt lở, Phó Thủ tướng khẳng định Nhà nước chịu trách nhiệm cùng giám sát, nếu xảy ra sạt lở phải dừng ngay hoạt động này. Cùng với đó, phía nhà thầu phải bồi thường cho người dân.
Vĩnh Long là địa phương được Chính phủ phân công cung cấp vật liệu san lấp (cát) cho cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 3 và sắp tới là Vành đai 4 của TPHCM. Tài nguyên này không phải địa phương nào cũng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý việc khai thác mỏ cát phải được làm bài bản, có đánh giá tác động môi trường, đảm bảo mỏ được quản lý và khai thác ở mức độ phù hợp. Quá trình triển khai phải có sự tham gia của người dân, công khai rõ ràng.
Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến của người dân ở khu vực khai thác cát phục vụ cao tốc. Người dân bày tỏ lo lắng về nguy cơ sạt lở và mong muốn được đảm bảo quyền lợi.
Một số ý kiến góp ý nên khai thác xa bờ và giữa lòng sông để tránh sạt lở lặp lại ở cù lao Lục Sĩ Thành thời gian trước.
Chia sẻ với những hộ dân đã nhường nhà cửa, ruộng vườn đã gắn bó nhiều năm, nhiều đời cho các tuyến đường giao thông, Phó Thủ tướng khẳng định chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước là phải cải thiện, nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người dân tốt hơn nơi ở cũ.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân thị trấn Trà Ôn và 3 xã của huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) nằm trong khu vực khai thác cát phục vụ các tuyến cao tốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động liên quan đến triển khai dự án trọng điểm đều phải đánh giá tác động, có chính sách cụ thể để người dân tham gia, thụ hưởng, chia sẻ.
"Khai thác cát phải thuận thiên, phù hợp với tự nhiên, không để người dân bị ảnh hưởng", Phó Thủ tướng nói.
Ông mong muốn người dân thị trấn Trà Ôn và 3 xã của huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước; cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận lại hiện trạng nhà cửa, đất đai bị ảnh hưởng bởi sạt lở dù có hay không có hoạt động khai thác cát sông. Từ đó, có phương án ứng phó kịp thời, không để người dân bị ảnh hưởng đến tính mạng, thiệt hại tài sản.
"Chính phủ luôn quan tâm đầu tư những công trình mang lại lợi ích cho nhân dân, luôn lắng nghe, tạo điều kiện để mỗi con đường hình thành sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc, an toàn hơn cho người dân", Phó Thủ tướng nói.
Ông giao cơ quan chuyên môn tiến hành thăm dò địa chất, kiểm tra lại những vấn đề người dân còn trăn trở. Sau khi có kết quả, phải công bố rộng rãi cho bà con, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phương án, khu vực, độ sâu, công suất khai thác đối với các mỏ cát.
Hồi tháng 2, tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ bàn giao 3 mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ dự án. Trong đó, mỏ cát trên sông Hậu (nhánh trái) thuộc xã Thiện Mỹ và xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn) với trữ lượng 0,758m3 được giao cho Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Công ty Trung Nam).
2 mỏ còn lại được giao cho Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C (Công ty CNCN E&C) gồm: mỏ cát san lấp trên sông Hậu (nhánh trái) thị trấn Trà Ôn, xã Lục Sĩ Thành và xã Thiện Mỹ, trữ lượng 0,563 triệu m3; mỏ cát san lấp trên sông Hậu (nhánh trái) thuộc xã Tích Thiện và xã Lục Sĩ Thành, trữ lượng hơn 1,1 triệu m3.
Tuy nhiên đến nay, các mỏ cát chưa thể khai thác do người dân khu vực khai thác phản ứng.