Gần 1.000 cán bộ công an hy sinh khi chi viện cho chiến trường miền Nam
(Dân trí) - Lực lượng công an chi viện cho chiến trường miền Nam là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong cuộc chiến sinh tử này, đã có 909 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 46 cán bộ bị địch bắt tù đày.
Sáng nay (28/4), tại Bộ Công an, Ban Liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 46 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021).
Tới dự sự kiện trên có Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai, Trưởng Ban Liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam (Bộ Công an) cùng đông đảo các hội viên trong Ban liên lạc.
Về phía khách mời có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi và đại diện một số đơn vị khác.
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 là thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đánh dấu một bước ngoặt quyết định đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần cách mạng tiến công, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kiên cường, bất khuất, lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Phan Văn Lai cho biết: Với tinh thần "tất cả vì thống nhất Tổ quốc và miền Nam ruột thịt", công cuộc chi viện toàn diện cho an ninh miền Nam là một quyết sách mang tầm chiến lược.
Hơn 11.000 cán bộ công an ưu tú được chi viện cho miền Nam đã góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch; tăng cường sự lãnh đạo an ninh các cấp; đẩy mạnh cuộc đấu tranh trấn áp phản cách mạng, diệt ác, trừ gian vào tận sào huyệt của kẻ thù trong nội đô và vùng dịch kiểm soát; bảo vệ an toàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt và cơ quan đầu não kháng chiến các cấp trong suốt cuộc chiến tranh đến ngày toàn thắng; xây dựng và phát triển lực lượng an ninh tại chỗ không ngừng trưởng thành, vững mạnh, đủ sức đánh thắng các âm mưu chiến lược của Mỹ ngụy, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ miền Nam, góp phần quan trọng cùng quân dân ta làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
"Lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam còn là một biểu lượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù vô cùng tàn bạo và nguy hiểm, 909 cán bộ đã anh dũng hy sinh, 46 cán bộ bị địch bắt tù đày, bị tra tấn dã man trong các nhà lao địa ngục trần gian của Mỹ, ngụy nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, bảo toàn mạng lưới điệp báo. Hàng trăm cán bộ công an bị thương tật vẫn kiên trì bám trụ chiến trường, chiến đấu kiên cường", Thiếu tướng Phan Văn Lai cho biết.
Theo Trưởng Ban Liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam (Bộ Công an), suốt những năm chiến tranh ác liệt, đội ngũ cán bộ công an chi viện đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, lập nhiều chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và khen thưởng xứng đáng; 11 đơn vị an ninh miền Nam có cán bộ công an chi viện làm nòng cốt, 20 cán bộ công an chi viện và toàn thể lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Hàng ngàn cán bộ công an chi viện được tặng thưởng Huân huy chương kháng chiến cao quý, nhiều cán bộ được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Quyết thắng,...
Ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam.
Trong bài phát biểu tại cuộc gặp mặt, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ, 46 năm đã đi qua, chiến tranh tuy đã xa dần, nhưng những vết thương chiến tranh vẫn còn đó.
"Điều đáng trân trọng và khâm phục nhất ở đây tôi muốn nói đó là các bác, các cô, các chú, các anh, các chị - nguyên là cán bộ Công an đã từng công tác, chiến đấu ở chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn sống sót trở về với đời thường vẫn luôn giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng của người cộng sản, người chiến sĩ cách mạng trung kiên, khắc phục khó khăn, tàn nhưng không phế, luôn theo dõi thông tin, ủng hộ, hướng về sự phát triển và bình yên của Tổ quốc", Trung tướng Trần Quốc Tỏ chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam được thành lập tháng 6/2007, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có quy chế hoạt động rõ ràng theo tôn chỉ mục đích. Ban liên lạc đã qua 5 kỳ đại hội, hiện nay có 306 hội viên, trong đó có 6 hội viên mang quân hàm cấp tướng, 263 hội viên mang quân hàm cấp tá, 31 hội viên mang quân hàm cấp úy.
Phần cuối bài phát biểu, Trung tướng Trần Quốc Tỏ cho biết: "Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam là thế hệ cán bộ đi trước, tôi tin tưởng sâu sắc rằng, các bác, các anh, các chị sẽ tiếp tục phát huy tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Các hội viên luôn nêu cao bản lĩnh chính trị cách mạng, phẩm chất đạo đức và tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục duy trì bền vững hoạt động của Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần ngày nhiều hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Nhân dịp này, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có phần quà trao tặng Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam.