1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Gần 100 tấn chân trâu, bò hôi thối có thất thoát ra thị trường?

Gần 100 tấn chân, đuôi, móng trâu bò hôi thối bị bắt giữ hơn 3 tháng qua đang nằm ủ tại một kho hàng ở Q.9 (TPHCM). Người nhận hàng quanh co không chịu nói định tiêu thụ số hàng này đi đâu.

Những “cỗ quan tài” chưa được chôn cất

 

Chiều 26/11, phải khó khăn lắm, từ xa lộ Hà Nội chúng tôi mới đến được kho bãi của Xí nghiệp kho vận (thuộc Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 34 Thủy Lợi, P.Phước Long A, Q.9). Bước qua cổng bảo vệ, rẽ qua hàng loạt con đường ngoằn ngoèo chúng tôi mới đến được nơi 3 container nằm lộ thiên giữa bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm cạnh bên một ao nước bỏ hoang.

 

Từ xa, một mùi hôi thối của súc vật chết bốc lên nồng nặc. Các container cũ kỹ như những cỗ quan tài sừng sững nằm cạnh nhau. Vài công nhân lưu trú bên cạnh tỏ ra rất dè dặt khi được hỏi. Một người đàn ông (không chịu nêu tên) tiết lộ: “Hôm qua, một container đã được chuyển đi. Đó là container không chứa xương, chân trâu bò”. Chúng tôi nhìn thấy các cánh quạt của container còn lại vẫn chạy, song mùi tanh, thối vẫn lan tỏa nồng nặc do xương trâu, bò để quá lâu trong các thùng container bốc ra. 

 

Trao đổi với chúng tôi, một bảo vệ kho bãi cũng thừa nhận một container mới được chuyển đi chiều hôm qua. “Nó nằm cách đây đã hơn một tháng rồi. Ngày nào bên thú y cũng cử người đến giám sát. Còn chủ hàng thì chẳng thấy dòm ngó gì cả. Bỏ hẳn luôn rồi!”. “Họ vẫn trả tiền thuê kho bãi chứ?”. “Có trả tiền, nhưng không biết họ xử lý thế nào thôi!” - người bảo vệ nói. 

 

Nội vụ

 

Theo hồ sơ của Đoàn kiểm tra liên ngành Q.9 (gồm công an, UBND phường Phước Long A, Trạm Thú y, Đội Quản lý thị trường 9B) vào các ngày 15/8, 24/8 và 31/8, có đến 4 container đang trữ số lượng lớn chân trâu, bò bị bắt giữ. Theo lời của người nhận hàng là Nguyễn Hiệp Hương (ở TPHCM), số hàng là 88 tấn, nhưng kiểm tra thực tế là 97 tấn.

 

Nguồn hàng chân trâu, bò đóng thành bao tải, vận chuyển từ tỉnh Hà Tây và TP Hà Nội vào Q.9 (TPHCM). Đại diện nhận hàng trả lời vòng vo, không xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ thật sự của lô hàng.  Trong 7 giấy chứng nhận kiểm dịch, chỉ 4 giấy kiểm dịch có nơi đến cuối cùng là kho hàng lạnh của Công ty Quang Minh (Q.9); 3 giấy còn lại ghi nơi đến cuối cùng là quận 1, 2 và Bình Thạnh.

 

Các giấy kiểm dịch do Chi cục Thú y Hà Tây cấp. Trong các container không chỉ có chân, đuôi trâu bò ghi trong giấy kiểm dịch mà còn có mặt hàng tủy bò, trâu đựng trong hộp nhựa và theo lời khai của đại diện chủ hàng có cả “lưỡi trâu bò” (biên bản ngày 31/8).

 

Toàn bộ lô hàng nhập vào, xuất ra không khai báo kiểm dịch với thú y tại chỗ. Theo Chi cục Thú y TPHCM, khi lấy lời khai về mục đích nhập lô hàng này về, tiêu thụ đi đâu thì đại diện nhận hàng trả lời quanh co, không nói sự thật.

 

Hôm qua 26/11, UBND quận 9 đã chính thức ra quyết định tịch thu lô hàng 3 container trên. Giao Công an Q.9 tiếp tục truy tìm đối tượng chủ hàng. Trước đó, UBND TPHCM cũng có văn bản giao Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện việc tiêu hủy lô hàng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giám sát.

Qua quá trình làm việc, Trạm Thú y Q.9 thấy vụ việc có tính chất phức tạp nên đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.9 để xác minh nguồn gốc thật sự của những lô hàng trên. Ngày 21/9, Công an Q.9 mời các ban ngành chức năng và Chi cục Thú y kiểm tra, đồng thời lấy 8 mẫu từ lô hàng trên, gửi Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM và Chi cục Thú y TPHCM kiểm tra chất lượng.

 

Kết quả phân tích cho thấy mẫu chân đuôi, tủy, lưỡi trâu, bò chứa tại kho Quang Minh không đạt chỉ tiêu PH và NH3, các chỉ tiêu về vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn coliforms, vi khuẩn E.coli cũng không đạt; một lượng lớn chân trâu bò không xác định rõ từng lô hàng và thời gian bảo quản, có biểu hiện sự phân hủy, mất phẩm chất...

 

Ngày 9/10, đại diện các cơ quan Công an Q.9, Trung tâm Y tế dự phòng TP, Trung tâm Thú y vùng 6, Chi cục Thú y đã có cuộc họp để thảo luận kết quả kiểm nghiệm lô hàng. Căn cứ các kết quả và tình trạng thực tế của lô hàng, các bên kết luận lô hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thống nhất biện pháp xử lý là tiêu hủy lô hàng.

 

Nhưng quan trọng là, trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc, liệu đã có bao nhiêu tấn thịt thối chạy ra ngoài thị trường, hay trôi nổi đi đâu?

 

Một cán bộ cơ quan quản lý thị trường địa phương ước đoán: khoảng 10 - 15 ngày tới sẽ tiến hành tiêu hủy. Kinh phí gần 300 triệu đồng để làm việc này có thể sẽ lấy từ nguồn kinh phí phòng chống dịch của TPHCM.

 

Theo Đ.Mười - Q.Thuần - H.Sơn

Thanh Niên